Năm 1937, nhà nghiên cứu lịch sử thời trang James Laver đã đưa ra những cột mốc thời gian về quá trình phát triển của xu hướng.
Theo nhà nghiên cứu này, khi một xu hướng thời trang xuất hiện, mọi người sẽ đánh giá là “thông minh."
Một năm trước khi xu hướng này ra đời, người ta sẽ đánh giá là “táo bạo."
Và 20 năm sau, nó sẽ trở nên “nực cười." Nhưng chưa hết, sau 50 năm nữa, xu hướng ấy sẽ thịnh hành trở lại.
Định luật này của Laver đã được chứng minh là đúng trong quá trình phát triển của thời trang.
Ngay cả trong giai đoạn phát triển với tốc độ chóng mặt cùng lượng hàng tiêu thụ được rất nhiều, ngành công nghiệp thời trang vẫn tuân theo đúng định luật của Laver về vòng lặp xu hướng.
Hàng năm, các công ty dự đoán thời trang lại cho ra những cuốn sách về phong cách và chất liệu sẽ thịnh hành trong các mùa tới.
Các nhà thiết kế và nhà mốt dựa trên những cuốn cẩm nang này để mang đến các thiết kế cho khách hàng trong vài năm sau đó.
Việc sắp xếp cũng như trình bày những xu hướng thời trang trước hàng năm và phát hành thành sách khiến cho việc “tái chế” phong cách luôn đảm bảo tiến độ theo mùa ổn định.
Nhưng mọi thứ đều đã thay đổi.
“Giờ đây, việc mọi người ngồi trong phòng quyết định xem màu sắc nào sẽ được ưa chuộng trong hai năm tới hay chất liệu nào sẽ được sử dụng trong vòng ba năm tới là vô nghĩa," Marc Worth nói.
Năm 1997, Marc và Julian Worth lập ra Worth Global Style Network (WGSN), công ty chuyên cung cấp dịch vụ dự đoán làm việc với những khách hàng như Coach, Kate Spade, H&M và Victoria’s Secret.
Mặc dù ngày nay vẫn có những công ty tư vấn, dự đoán xu hướng thời trang với các ấn phẩm được phát hành theo mùa, Marc Worth tin rằng vòng lặp thời trang ngày nay đòi hỏi cách tiếp cận mới để tạo ra xu hướng một cách hiệu quả.
Marc nhận định: “Mọi thứ đều thay đổi, chúng ta đã bước vào một hướng tiếp cận mới cho cả bốn mùa, sau đó là những hướng tiếp cận ngắn hạn hơn, và bản chất trước kia về dự đoán, theo tôi, đã không còn nghĩa lý gì nữa."
Trong năm 2005, Marc Worth bán Worth Global Style Network cho công ty truyền thông của Anh eMap với giá 140 triệu bảng Anh và năm ngoái đã phát triển thành công mảng thời trang của Stylus, dịch vụ cung cấp những nghiên cứu về thông tin sáng tạo và tư vấn cho nhiều lĩnh vực.
Anh nói: “Chúng tôi không dự đoán gì nữa. Hiện giờ chúng tôi cung cấp nguồn cảm hứng cho bộ phận sáng tạo của các công ty để tạo ra những xu hướng; chúng tôi theo sát các xu hướng trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nhưng chúng tôi không còn làm công việc dự đoán xu hướng truyền thống nữa.”
“Các mạng truyền thông xã hội chính là công cụ quyết định xu hướng ngày nay. Chỉ qua một đêm có thể sẽ có một xu hướng mới rộ lên và biến mất gần như ngay sau đó.”
Rõ ràng là James Laver đã không thể tiên đoán được một điều rằng ngành công nghiệp thời trang sẽ phá vỡ mọi quy luật truyền thống, ví dụ như các công ty hiện nay công bố báo cáo kinh doanh hai lần trong một năm, các nhà bán lẻ liên tục trưng bày hàng mới.
Dưới sức ảnh hưởng của Internet, truyền thông, các xu hướng mới được giới thiệu hàng ngày và mọi ngày.
Ngày nay, xu hướng xuất hiện và biến mất nhanh hơn trong một môi trường đầy biến động, nơi mà các thương hiệu, những người nổi tiếng, các tờ tạp chí, những blogger và người tiêu dùng “chen lấn, xô đẩy” lẫn nhau để đưa ra các xu hướng thời trang thịnh hành.
“Mạng xã hội đã thay đổi một cách toàn diện xu hướng thời trang” theo lời Ruth Chapple, quản lý nội dung của Stylus Fashion.
“Mạng xã hội sẽ quyết định những xu hướng nào sẽ thịnh hành lâu dài. Mọi người từng cho rằng những đôi giày đính đinh tán của Valentino (Rockstud) sẽ chỉ thịnh hành trong một mùa, nhưng trên thực tế đã tám mùa qua và dân tình vẫn không thôi phát cuồng về chúng.”
Cô Ruth Chappel nói thêm: “Mọi người đã dự đoán là chẳng ai sẽ thiết tha những món đồ đinh tán từ vài mùa trước, nhưng có thể lý giải sự ‘cuồng tín’ này là nhờ có sức mạnh của mạng xã hội, nơi có những blogger - những người nắm quyền ‘sinh sát’ các xu hướng trong thời đại này."
Mặt khác, kỷ nguyên truyền thông số cũng có khả năng đồng thời loan truyền một xu hướng và làm mất đi sức hấp dẫn của nó nhanh chóng.
Pierre-Francois Le Louet, Tổng giám đốc công ty NellyRodi tại Paris, có nói: “Xu hướng giờ đây cũng giống như từ ‘xa xỉ’- chẳng ai có thể biết được thực sự nó có nghĩa là gì, bắt đầu và kết thúc ở đâu.”
Cũng giống như Marc Worth, Le Louet khẳng định công ty của mình không còn làm công việc dự đoán xu hướng thời trang nữa.
NellyRodi sử dụng hệ thống đại diện của mình ở 18 quốc gia để bám sát những xu hướng đang thịnh hành tại các thị trường khác nhau, từ đó giúp khách hàng lựa chọn những xu hướng cụ thể phù hợp với các thương hiệu khác nhau, tại các thị trường trọng điểm.
Le Louet nói: “Giờ đây những món đồ theo mùa không bán chạy như trước nữa."
“Điều quan trọng nhất đó là nhận diện thương hiệu của bạn phải hiệu quả, bạn là ai, bạn khác những đối thủ khác như thế nào. Xu hướng là công cụ giúp bạn thuyết phục được khách hàng của mình cách bạn và thương hiệu hiểu được về sự thay đổi xung quanh ra sao.”
Không ngạc nhiên khi khách hàng thường xuyên của những công ty tư vấn xu hướng ngày nay là các nhãn hàng tầm trung và thể thao (như Zara, H&M, Puma) khi mỗi năm, những thương hiệu này tung ra đến 50 bộ sưu tập.
Việc đoán được xu hướng trước hai năm sẽ giúp các hãng này nâng cao lợi nhuận một cách dễ dàng hơn, cũng như tạo điều kiện cho nhân công của họ làm việc với cường độ “dễ thở” hơn.
Các thương hiệu xa xỉ ít khi sử dụng dịch vụ dự báo xu hướng, vì họ giữ nhiệm vụ tạo nên xu hướng, củng cố vị thế của mình cũng như của các kinh đô thời trang./.