Tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ trên cả nước và tại Vị Xuyên (Hà Giang) nói riêng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, được Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân đặc biệt quan tâm. Điều đó thể hiện sự tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương của Tổ quốc; góp phần xoa dịu nỗi đau của các thân nhân liệt sỹ; đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước.
Thượng úy Nguyễn Xuân Đệ, cựu chiến binh Sư đoàn 356, nghiêm cẩn đốt ba nén nhang thắp lên lư hương ở Nhà tưởng niệm liệt sỹ tại hang Dơi, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Đài nhang nhỏ bé nhưng nghiêm trang đặt ngay bên cửa hang. Đứng rất lâu, ông như trò chuyện, nhắn nhủ những đồng đội năm xưa đã chiến đấu cùng ông hãy yên lòng an nghỉ.
"Cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu với nhau nhưng tôi may mắn còn sống mà các anh thì hy sinh. Nỗi đau đó như bản thân mất đi ngón tay, ngón chân. Xót thương vô cùng. Chưa khi nào chúng tôi nguôi quên anh em," ông Nguyễn Xuân Đệ rưng rưng nhắn nhủ đồng đội.
Nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Đệ cùng những cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên và Sư đoàn 356 đã tìm vào các Cao điểm, Bình độ 468 ở mặt trận Vị Xuyên với mong muốn tìm lại được hài cốt đồng đội.
Song như ông chia sẻ, đây là việc hết sức khó khăn do Vị Xuyên vẫn còn sót lại nhiều bom, mìn, vật cản, hơn nữa đã nhiều năm, địa hình, địa vật của chiến trường xưa có nhiều thay đổi, đồi núi hiểm trở, phức tạp mà "những người của lịch sử" tuổi đã cao.
"Như hang Dơi này đây, trước kia sâu hun hút, là nơi trú ẩn của các đơn vị chiến đấu, cứu thương cho bộ đội và tập trung lương thảo. Chung quanh là núi non hiểm trở. Nhưng nay hang Dơi đã phủ màu xanh cây trái. Hai bên là nhà cửa, dân cư, điện, đường, trường trạm," ông Nguyễn Xuân Đệ xúc động nói.
"Dù vậy chúng tôi rất vui mừng là thời gian qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã được Nhà nước, Quân đội và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Hà Giang quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, đã đưa nhiều anh em về với đồng chí, đồng đội. Năm 2021, ba hài cốt liệt sỹ đã được quy tập tại thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên," ông Nguyễn Xuân Đệ kể.
Theo người cựu chiến binh Sư đoàn 356, những xúc động của ông đến từ những điều "mắt thấy, tai nghe."
Tỉnh Hà Giang từng là chiến trường khốc liệt, kéo dài. Nhiều nghĩa trang bị đạn pháo cày xới, mất dấu tích. Nhiều chiến sỹ khi hy sinh không lấy được thi hài. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Hà Giang, nhiều đơn vị rút quân về tuyến sau, có đơn vị giải thể phục vụ nhiệm vụ mới... dẫn đến công tác bàn giao mộ liệt sỹ, nghĩa trang, danh sách liệt sỹ, sơ đồ mộ chí cho tỉnh chưa chính xác.
Thế nhưng, với đạo lý, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, hàng chục năm qua, Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được hơn 2.900 hài cốt liệt sỹ, trong đó quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên hơn 1.800 liệt sỹ.
[Đi tìm tiếng gọi từ lòng đất: Hành trình chưa kết thúc]
Đồng thời với việc rà phá bom, mìn để phục vụ cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, địa phương này khai phá những vùng đất còn bom, mìn để mở rộng đất đai, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Xúc động trước nỗ lực của Hà Giang trong "chiến dịch" tìm kiếm, trả lại tên cho liệt sỹ, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên đã khẳng định Hà Giang là tỉnh sau cùng của cả nước ra khỏi chiến tranh.
Hàng chục năm qua, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã làm tất cả những gì có thể để rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ còn sót lại, đưa các anh về an nghỉ cùng đồng đội hoặc quê hương đất mẹ.
Để niềm tin, hy vọng biến thành hiện thực trong hành trình "trả lại tên cho anh" ở Vị Xuyên, Hà Giang, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cũng từng nêu rõ về dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Hà Giang. Hiện nay, còn rất nhiều hài cốt chưa tìm kiếm, quy tập được và những hài cốt này đang nằm rải rác trên những khu vực ô nhiễm bom mìn nặng ở tỉnh Hà Giang.
Ở nơi khác chỉ giải quyết ô nhiễm, rà phá bom mìn, còn ở đây vừa kết hợp rà phá, vừa kết hợp tìm kiếm hài cốt, rất khó khăn. Mục tiêu trọng điểm, quan trọng nhất của dự án là cố gắng tìm kiếm, quy tập khoảng 600 hài cốt liệt sỹ riêng ở điểm cao Vị Xuyên.
Thời gian tới, một số hoạt động sẽ tiếp tục được triển khai như: phân tích ADN để xác định danh tính liệt sỹ, tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả trong thực hiện rà phá bom mìn tại địa bàn Hà Giang và đầu tư nguồn lực vào khu vực này, tìm các nguồn lực quốc tế tham gia, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Đặc biệt, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ rõ không riêng lực lượng quân đội, ngành lao động, thương binh và xã hội, mà các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước cần tạo điều kiện tốt nhất có thể cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm. Đây là công việc vô cùng khó khăn. Rất nhiều liệt sỹ không chỉ hy sinh ở đất liền mà cả ở cửa sông, cửa biển; không chỉ ở trong nước, mà cả ở các nước bạn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sỹ; xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp. Tuy nhiên, việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ thiếu thông tin còn rất nhiều khó khăn, cho dù các lực lượng đã có nhiều giải pháp.
Thời gian tới, các đơn vị giám định ADN, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin cần tăng cường sử dụng các phương tiện công nghệ mới, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, đặc biệt là phát huy các sáng kiến trong việc thu thập, tiếp nhận thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ./.