Đi tìm tiếng gọi từ lòng đất: Để các anh không còn vô danh

Mỗi khi phát hiện ra hài cốt ở các vách đá, hang sập tại Vị Xuyên, đội tìm kiếm cố gắng lấy hết phần hài cốt và kiểm tra, rà soát kỹ xem có còn kỷ vật nào của các anh tại đó để có cơ sở chứng thực.
Đi tìm tiếng gọi từ lòng đất: Để các anh không còn vô danh ảnh 1Những ngôi mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Đạn pháo năm xưa cày đi, xới lại khiến núi đá ở dọc biên giới Vị Xuyên trở thành "lò vôi," da thịt hàng ngàn liệt sỹ hòa vào đất mẹ.

Đưa về và làm sao để xác định tên cho các anh cũng như hàng trăm phần mộ liệt sỹ "chưa xác định được thông tin" ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên đang có quá nhiều khó khăn. Điều đó luôn canh cánh trong lòng bấy nhiêu gia đình liệt sỹ, đồng đội họ, cũng như toàn xã hội.

Trĩu nặng tâm can

Đứng từ Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ Mặt trận Vị Xuyên ở điểm cao 468 (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên) nhìn sang các điểm cao 772, 685 và hướng tầm mắt tới điểm cao 1509 nằm giữa biên giới hai nước, Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, Trợ lý chính sách Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho biết, các đơn vị quân đội khi chiến đấu tại mỗi điểm cao, bình độ ở Mặt trận Vị Xuyên đều được lưu giữ thông tin.

Năm 2018, có gia đình của liệt sỹ từ Hà Nội đi cùng nhà ngoại cảm vào đơn vị đề nghị được tìm con, em hy sinh ở Mặt trận Vị Xuyên. Nhà ngoại cảm chỉ dẫn hài cốt liệt sỹ hiện đang nằm tại hang sập ở điểm cao này kia. Nhưng khi hỏi tên tuổi, đơn vị chiến đấu của liệt sỹ, Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp biết là không chính xác.

"So sánh, đối chiếu thấy không khớp là biết ngay. Sau khi giải thích cặn kẽ, đơn vị vẫn để họ ở lại hơn 10 ngày và giúp đỡ để thỏa tâm nguyện của gia đình đồng đội đã hy sinh," Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp kể lại.

Nói về việc đưa được các anh từ trên núi đá về nằm tại đơn vị trước khi đưa ra Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, nhưng rồi do thiếu dữ liệu nên tại đó lại có thêm những liệt sỹ "chưa xác định được thông tin," Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp cho hay, mỗi khi phát hiện ra hài cốt ở các vách đá, hang sập tại Vị Xuyên, việc đầu tiên là anh em trong đơn vị cố gắng lấy hết phần hài cốt và kiểm tra, rà soát kỹ xem có còn kỷ vật nào của các anh tại đó, để có cơ sở cho áp dụng phương pháp thực chứng hài cốt liệt sỹ.

Sau đấy là trích lục, khớp nối hồ sơ và nhiều nguồn thông tin tin cậy để xác minh ở vị trí này có các đơn vị bộ đội nào chiến đấu, hy sinh, đồng thời, đơn vị lấy mẫu sinh phẩm bàn giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để giám định gene, xác định thông tin liệt sỹ.

Theo Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, toàn bộ gần 100 hài cốt liệt sỹ mà Đội tìm được đều ở các hang sập, hang đá, ở các vị trí chiến lược trên các điểm cao tại Thanh Thủy và Lao Chải. Lần anh em tìm được mười hài cốt, lần thì được ba hài cốt và đều đã mục.

"Sau từng đó thời gian, da thịt các anh đã phân hủy, xương cốt không còn nguyên vẹn, đã thoái hóa. Có những nơi chúng tôi tìm thấy, hài cốt các anh đã hòa lẫn vào nhau. Trong điều kiện tự nhiên nóng ẩm, hài cốt đã bị nhiễm khuẩn, chất lượng các mẫu sinh phẩm kém nên rất khó giám định ADN để xác định được danh tính hài cốt liệt sỹ. Trong khi đó, để giám định ADN đảm bảo độ chính xác, đòi hỏi mẫu hài cốt là răng hoặc xương phải sạch để tách, chiết ADN từ các tế bào tủy xương, tủy răng. Vì vậy mà sau này, chúng tôi đành quy tập các anh thành mộ tập thể tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên," giọng Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp chùng xuống.

[Đi tìm tiếng gọi từ lòng đất: Hành trình chưa kết thúc]

Những ưu tư về Liệt sỹ Vị Xuyên "chưa xác định được thông tin" trĩu nặng tâm can hơn khi nghe những câu chuyện về việc khó áp dụng xác định hài cốt bằng phương pháp thực chứng.

Những người ròng rã nhiều năm tham gia "đi tìm đồng đội" cho hay, ngoài việc "Mặt trận Vị Xuyên là nơi đạn pháo cày đi, xới lại khiến núi đá cũng thành lò vôi," rồi thời gian quá lâu, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, việc thất lạc kỷ vật của liệt sỹ do một số trường hợp thiếu nhận thức đã lấy đi, dẫn tới việc "trả lại tên cho anh" gặp nhiều trở ngại...

"Trả lại tên cho anh"

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, địa bàn tỉnh cực Bắc của Tổ quốc này hiện có hơn 2.900 mộ liệt sỹ ở 9 nghĩa trang theo dọc biên giới của tỉnh. Trong số đó, hơn 1.600 mộ là liệt sỹ có danh tính, còn lại hơn 1.300 phần mộ liệt sỹ là "thiếu một phần hoặc chưa xác định được danh tính thông tin."

Phần lớn dưới mộ đều là những người con ưu tú từ nhiều miền quê hương đất nước đã nằm xuống để bảo vệ từng mét đất biên cương trong những năm tháng quân xâm lược xâm lấn nơi phên dậu đất nước, đặc biệt là tại Mặt trận Vị Xuyên.

Đi tìm tiếng gọi từ lòng đất: Để các anh không còn vô danh ảnh 2Ngôi mộ tập thể tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Ngọc Dũng khẳng định, do hoàn cảnh chiến tranh, việc mộ liệt sỹ "chưa xác định được thông tin" là day dứt đối với những gia đình, thân nhân liệt sỹ, đồng đội họ và của cả tỉnh Hà Giang.

"Tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ là việc làm hết sức ý nghĩa. Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện phương án điều tra thông tin về liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, phối hợp với các ngành bên Quân đội, các huyện và nhân dân trên địa bàn rà soát và phát hiện, quy tập hài cốt liệt sỹ về các nghĩa trang ở tỉnh," ông Phạm Ngọc Dũng cho biết.

Đối với những day dứt này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý bày tỏ, tìm kiếm, quy tập và xác định thông tin hài cốt liệt sỹ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc đối với công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sỹ.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác này.

Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tỉnh Hà Giang đã làm cho công tác này trở nên toàn diện, sâu sắc hơn, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra; góp phần ổn định tình hình chính trị-xã hội ở các địa phương, làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian tới, Hà Giang tiếp tục xác định công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các đơn vị, địa phương.

Phương châm của tỉnh là làm dứt điểm, rõ thông tin trước, phát hiện đến đâu, làm ngay đến đó; từng bước kết luận địa bàn, khoanh vùng các khu vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên tìm kiếm, quy tập; tổ chức khảo sát tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ dứt điểm tại địa bàn các xã biên giới huyện Vị Xuyên…

"Đặc biệt là chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong giám định ADN nhằm xác định danh tính các liệt sỹ còn thiếu thông tin," ông Trần Đức Quý cho biết./.

Bài 3: Làm sạch những vùng "đất chết" 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục