"Địa ngục trần gian" ám ảnh những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc

Nhiều phụ nữ ở vùng cao Yên Bái bị dụ dỗ rời khỏi địa phương, vượt biên trái phép, sau đó bị bán trao tay cho bọn buôn người, bị ép làm gái mại dâm, làm vợ của những người đàn ông Trung Quốc.
"Địa ngục trần gian" ám ảnh những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc ảnh 1Bắt giữ đối tượng chuyên đưa người qua biên giới. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Nhiều phụ nữ ở vùng cao Yên Bái bị dụ dỗ rời khỏi địa phương, vượt biên trái phép chỉ sau những cuộc điện thoại với người lạ. Nhiều người trong số họ đã bị bán trao tay cho bọn buôn người, bị ép làm gái mại dâm, làm vợ của những người đàn ông Trung Quốc. Có người đã trốn được để trở về, nhưng có người vẫn bặt vô âm tín.

Những câu chuyện buồn

Huyện Mù Cang Chải có đến hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Theo Công an tỉnh Yên Bái, tính đến hết tháng 12/2016, huyện có hơn 300 trường hợp phụ nữ xuất cảnh trái phép qua biên giới. Riêng trong năm 2016, huyện có 64 trường hợp, trong đó có 24 trường hợp nghi bị lừa bán.

Xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải là một trong những xã có nhiều trường hợp phụ nữ xuất cảnh trái phép và bị lừa bán nhiều nhất, trong đó, bản Đề Sủa, xã Lao Chải là một điểm nóng của tình trạng này, cả xã có hơn 50 trường hợp, trong đó riêng tại bản Đề Sủa có hơn 20 trường hợp.

Ông Sùng A Khua, Bí thư Chi bộ bản Đề Sủa cho biết nhiều gia đình tan nát, khổ nhất là những đứa trẻ. Kỳ họp nào chi bộ cũng vận động người dân không nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu để bị lừa bán. Cả bản có 123 hộ, gần 700 nhân khẩu thì có đến hơn 20 trường hợp phụ nữ bỏ bản rồi bị đưa bán sang bên kia biên giới, chưa kể những trường hợp rời khỏi bản mà chưa rõ đi đâu.

Mới tháng 11/2016, vợ của chính anh Giàng A Phồng - phụ trách công tác Mặt trận trong bản cũng bỏ đi, rồi bị lừa bán sang Trung Quốc, đến nay vẫn chưa có tin tức gì.

Anh Giàng A Phồng chia sẻ: "Buồn lắm và giận vợ nữa."

Anh Phồng kể ngày 18/11, sau khi dự Ngày hội đoàn kết về nhà, anh không thấy vợ đâu, gọi điện thoại thì không liên lạc được. Đến chiều, anh nhận được điện thoại của vợ, chỉ vỏn vẹn mấy câu "Em đang ở Lào Cai, em bị người ta lừa bán rồi, không quay lại được nữa, anh ở nhà chăm sóc các con" rồi tắt máy.

Từ đó đến nay, anh không hề nhận được bất kỳ tin tức gì nữa. Anh Phồng một mình chăm sóc các con.

Chị Giàng Thị Ninh, con gái của bà Sùng Thị Là, bản Dào Xa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. Chị Ninh bỏ đi khỏi bản rồi bị lừa bán từ năm 2014. Bà Là cho biết có lần Ninh liên lạc được về nhà nói bị lừa bán, ép làm vợ một người đàn ông ở bên kia biên giới nhưng cũng không rõ ở khu vực nào.

"Nó cứ khóc suốt, bảo chỉ muốn tìm cách để về thôi nhưng không biết đường nào để về. Trốn đi thì sợ vì bị dọa sẽ giết chết nếu bắt được," bà Là kể.

Hai em Lý Thị Chu và Lý A Chua (bản Tà Ghênh, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải) đã hai năm nay chưa được gặp mẹ. Mẹ chúng - chị Sùng Thị Pàng - biệt tích từ khi Lý A Chua mới chập chững biết đi. A Chua bây giờ đã hơn 3 tuổi, đã biết theo chị hàng ngày men theo con đường đất bám ven sườn núi gần 5 km để tự đến lớp. Chu cũng đã 12 tuổi nhưng bây giờ, em cũng không thể nhớ rõ hình dáng người mẹ của mình.

"Địa ngục trần gian" ám ảnh những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc ảnh 2Nạn nhân của một vụ buôn bán phụ nữ. Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Ông Lý A Khua, ông nội của Chu và Chua đã gần 60 tuổi, cho biết không có mẹ, chị em Chu và Chua tự chăm lẫn nhau. Từ ngày vợ bỏ đi, bố của Chu và Chua cũng chán nản, uống rượu, rồi đi làm ở xa, thỉnh thoảng mới về. Mới đầu hai chị em khóc suốt vì nhớ mẹ, giờ thì quen rồi.

Theo Công an tỉnh Yên Bái, 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có hơn 2.000 trường hợp phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, riêng năm 2016 là 233 trường hợp. Trong số này, có hàng chục trường hợp xuất cảnh trái phép với mục đích lấy chồng hoặc bị lừa bán.

Riêng trong năm 2016, Công an tỉnh Yên Bái đã đấu tranh, phát hiện 4 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn, tiến hành khởi tố nhiều đối tượng. Gần đây nhất, tháng 11/2016, Công an tỉnh đã khởi tố các bị can Ly Seo Sẻng và Mùa A Nhà trong vụ án buôn bán trẻ em, buôn bán người xảy ra trên địa bàn huyện Trạm Tấu.

Khoảng tháng 3/2016, Ly Seo Sẻng (sinh năm 1994, trú tại thôn Na Măng, xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đến chơi ở nhà Mùa A Nhà (sinh năm 1993, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Tại đây, Sẻng đặt vấn đề với Nhà nếu thấy có phụ nữ muốn lấy chồng ở Trung Quốc thì đưa lên Lào Cai cho Sẻng, Sẻng sẽ đưa sang Trung Quốc bán. Tiền bán được sẽ chia nhau. Nhà đã đồng ý.

Từ tháng 10 đến tháng 11/2016, Ly Seo Sẻng và Mùa A Nhà đã lừa và thực hiện việc bán chót lọt cháu Mùa Thị Củ (sinh năm 2001, trú tại xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) và chị Sùng Thị Dê (sinh năm 1995, trú tại xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).

Khi đang tiếp tục thực hiện hành vi lừa để đưa chị Sùng Thị Phếnh (sinh năm 1990), chị gái của Sùng Thị Dê, bán sang Trung Quốc, hai đối tượng đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Trung tá Đặng Thị Chanh - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Yên Bái cho biết tình trạng buôn bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, tập trung chủ yếu ở những huyện miền núi khó khăn, nhất là những vùng tập trung đông đồng bào người Mông sinh sống như Trạm Tấu, Mù Cang Chải...

Thủ đoạn của các đối tượng không mới, chúng thường nói về cuộc sống tốt đẹp bên kia biên giới, dụ dỗ... hẹn gặp rồi đưa qua biên giới lừa bán. Trong khi đó, nhận thức và tập quán sinh hoạt của đồng bào còn nhiều mặt hạn chế, lại dễ tin người, mất cảnh giác. Nạn nhân sau khi bị lừa bán thường khó trốn trở về được; việc điều tra, mở rộng vụ án cũng gặp nhiều khó khăn...

"Địa ngục trần gian" ám ảnh người trở về

Thoát khỏi tay bọn buôn người để trở về, chị Giàng Thị Chù, bản Dào Xa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đã kể lại cuộc sống kinh hoàng của mình ở bên kia biên giới. Người phụ nữ dân tộc Mông này luôn nhớ về 108 ngày ở xứ người.

Tháng 4/2016, chị Chù đi Than Uyên (Lai Châu) để mua một số đồ dùng gia đình. Lúc đó, có một người lạ gọi điện thoại cho chị và nói rằng muốn gặp mặt để giới thiệu chỗ làm tốt.

Tin lời và hy vọng tìm được việc làm có thể thay đổi cuộc sống, chị Chù đã đồng ý. Khi gặp, họ mời chị ăn cơm, sau vài câu chuyện, họ bảo chị lên xe để họ chở về nhà nhưng khi lên đến xe thì không còn biết gì nữa. Sau hai ngày mơ màng, chị Chù thấy xe dừng ở một vùng hoàn toàn khác biệt, tại một gia đình có tổng cộng 8 người. Lúc đó chị Chù mới biết mình đã bị lừa bán.

Chị Chù bị lừa bán làm vợ của một người đàn ông nông thôn Trung Quốc tên Vinh, hơn 40 tuổi. Hằng ngày, chị phải đi làm nương đến tối mịt mới được về nhà. Về nhà, chị lại phải dọn dẹp đến tận đêm mới được ăn cơm, không làm đúng ý họ thì sẽ bị đánh đập đến bầm tím. Họ không cho chị đi đâu ra ngoài một mình.

Hơn 3 tháng ở xứ người, mỗi buổi chiều vắng hay những lúc đêm muộn, chị nhớ và thương con vô cùng. Những lúc ấy, chị chỉ biết ngồi khóc. Thương nhớ con cũng càng là động lực để chị tiếp tục sống với hy vọng một ngày có thể tìm cách trở về nhà.

Một lần đi chợ, chị Chù nhìn thấy đồn công an Trung Quốc nhưng không biết và cũng không dám vào. Phải đến lần thứ 3, khi chắc chắn đó là đồn công an, chị Chù mới liều mình vứt bỏ hết đồ đạc, chạy về phía đó.

Chị được công an phía bạn giữ lại để xác minh. Một tháng sau, cuối tháng 7/2016, chị được trả về nhà. Chú ruột và anh trai của chị đã lặn lội lên tận Mường Khương (Lào Cai) để đón về.

Đối với chị Chù, trở về nhà giống như được sinh ra lần nữa. Nhưng cũng trong suốt một tháng chị không dám về nhà với chồng con, chỉ ở bên nhà bố mẹ đẻ vì mặc cảm, day dứt và hối hận. Khi biết tin chị trở về, chồng, gia đình chồng và các con đã sang đón chị trong yêu thương.

Chị Chù tâm sự khi trở về, được dòng họ, cấp ủy, chính quyền địa phương, công an động viên, chị cảm thấy yên tâm và dần hòa nhập lại với cuộc sống bình thường. Chị cũng sẽ không bao giờ nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu và sẽ tuyên truyền để chị em khác trong bản cảnh giác.

Chị Sa Thị Ngần, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết việc phụ nữ rời khỏi địa bàn cư trú rồi nhiều trường hợp bị lừa bán, trong đó có cả trẻ em, là một vấn đề nan giải từ năm 2010 trở lại đây. Để giải quyết vấn đề này, việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân là rất quan trọng, nhất là đối với phụ nữ.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã thành lập 6 Câu lạc bộ Phòng chống buôn bán phụ nữ tại các bản. Hội cũng đã thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các đợt sinh hoạt tại cơ sở. Hội đã phối hợp với tổ chức Tầm nhìn của Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ dạy nghề cho 5 chị em bị lừa bán trở về.

Hội đang đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải làm băng, đĩa, ghi lại những câu chuyện thực tế xảy ra tại địa phương dùng để tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân.

Theo anh Lý A Tính, Phó trưởng Công an xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, đối với những trường hợp phụ nữ đi khỏi địa phương, vượt biên rồi bị lừa bán, sau một vài ngày gia đình mới đến trình báo công an. Khi nắm được thông tin, người đã bị bán, kẻ bán thì đã bỏ trốn, khó truy lùng tung tích. Nhiều chị em bỏ trốn, tìm được đường trở về nhưng cũng khó khăn trong khai thác thông tin bởi các đối tượng buôn người dùng tên giả, địa chỉ giả và khi bán thường qua nhiều đối tượng. Nhiều trường hợp chị em không hợp tác với cơ quan chức năng vì tâm lý mặc cảm.

Trung tá Đặng Thị Chanh - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Yên Bái cho biết việc thay đổi nhận thức của người dân là rất quan trọng để ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm buôn người. Muốn nâng cao nhận thức của người dân cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuyên truyền của các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục