Khẳng định về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, thành phố Hải Phòng và Thừa Thiên Huế là cần thiết, nhiều Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này sẽ tạo tạo cơ chế nguồn lực và đẩy mạnh phân cấp để thu hút đầu tư, hình thành cực tăng trưởng mới, dẫn dắt các địa phương khác trong vùng phát triển.
Lo ngại mỗi nơi một chính sách
Thảo luận trực tuyến về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương nói trên vào sáng 27/10, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa ủng hộ với việc ban hành nghị quyết đặc thù. Bà cho biết 6 nhóm chính sách cho từng địa phương Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế cũng như 8 nhóm chính sách cho tỉnh Thanh Hóa thực chất là những chính sách bảo đảm được tính đặc thù và được xây dựng dựa trên những phân tích, nghiên cứu và đề xuất rất kỹ của các địa phương.
“Đây sẽ là cơ hội để cho các địa phương trên đột phá và phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng và tạo sức lan tỏa và sức kéo trong khu vực,” bà Hoa nói và cho rằng việc lựa chọn các địa phương đưa vào thí điểm lần này các tiêu chí đặc thù rất rõ.
Dẫn ví dụ, nữ đại biểu này cho rằng Nghệ An, Thanh Hóa là hai tỉnh có diện tích và dân số lớn. Do đó, khi tạo ra động lực cho hai tỉnh này phát triển thì sẽ tác động đến một lực lượng về dân số cũng như các điều kiện phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ...
[Quốc hội bàn cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố]
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng Chính phủ cần tránh tình trạng địa phương lần lượt xin cơ chế đặc thù, ảnh hưởng tới phân bổ ngân sách. Vì thế, bà đề xuất Chính phủ tập trung thí điểm cho một địa phương nhằm tạo tiềm năng, động lực phát triển, tập trung chính sách đầu tư để sau 5 năm có thể điều chỉnh quy định pháp luật.
Tán thành với quy định tổng mức dư nợ vay của các tỉnh, thành phố theo dự thảo Nghị quyết, song để đảm bảo tính thuyết phục và minh bạch trong pháp luật, bà Thơ cho rằng cần bổ sung quy định về nguyên tắc vay, cơ chế chịu trách nhiệm của thành phố và các tỉnh như: Cam kết đảm bảo trả nợ vay, hiệu quả vốn vay, dự kiến nguồn trả, tính toán mức độ cần thiết phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) thì cho rằng không nên áp dụng dàn trải ở nhiều địa phương dẫn đến mỗi nơi một chính sách, mỗi thời điểm nhất định cần tập trung vào nơi có tiềm năng hiệu quả cao, sau khi địa phương phát triển thì mới đầu tư các địa phương khác, tránh đầu tư dàn trải.
Phải có bản lĩnh mới xin cơ chế đặc thù
Cho rằng việc thí điểm cơ chế đặc thù của các địa phương trên không phải là cơ chế xin cho, Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh địa phương phải có bản lĩnh mới dám xin thí điểm cơ chế đặc thù.
Ông Hạ kiến nghị cần có tiêu chí để mang tính đại diện thí điểm chính sách bởi nếu các tỉnh khác cũng xin cơ chế đặc thù thì tỉnh nào cho và không cho.
Đại biểu Phạm Trong Nhân (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đặt ra vấn đề nếu Dự thảo Nghị quyết này được thông qua sẽ có 7 tỉnh thành được áp dụng cơ chế đặc thù. Các địa phương được xem xét cơ chế đặc thù này đã đi liền với quy hoạch hay chưa? quy hoạch có trước hay cơ chế có trước, cái nào phụ thuộc cái nào? Cơ chế chính sách đặc thù này sẽ nằm ở đâu trong quy hoạch này?
“Khi ban hành đã tính đến sự liên kết quy hoạch giữa các tỉnh thành chưa? Có xác định vai trò của tỉnh thành này là trung tâm của vùng kinh tế và kết nối với các địa phương, tránh sự chồng lấn giữa các địa phương trong liên kết vùng,” Đại biểu Nhân góp ý.
Đại biểu Bùi Xuân Thống (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) lại bày tỏ lo ngại khi tạo cơ chế đặc thù có giảm nguồn thu ngân sách Trung ương, nếu có thì bù đắp từ nguồn nào? Nâng mức dư nợ cho vay có làm tăng trần nợ công hay không? Các địa phương chưa thực hiện hết dư nợ vay mà được tăng lên thì có hợp lý hay không? Khi xem xét ban hành cơ chế đặc thù này có khả thi và thống nhất giữa các địa phương hay không?
[Thí điểm chính sách đặc thù phải tạo sự bình đẳng giữa địa phương]
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành các Nghị định chi tiết Nghị quyết của Quốc hội đảm bảo hiệu lực thi hành, làm tốt công tác kiểm tra giám sát ở các địa phương; hướng dẫn cơ chế đặc thù điều chỉnh quy hoạch của các tỉnh đảm bảo tính thống nhất liên tục kế thừa; nghiên cứu đột phá sáng tạo trong chính sách đầu tư tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính…
Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) băn khoăn với quy định cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hải phòng và Thanh Hóa được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật.
Để tránh việc chính quyền địa phương được điều chỉnh mức thu hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí quá mức gây khó khăn cho các đối tượng chịu tác động, theo đại biểu, cần bổ sung quy định về nguyên tắc, tỷ lệ phần trăm được điều chỉnh so với mức phí, lệ phí theo quy định của luật hiện hành…/.