Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước.
Xuất khẩu cả 3 nhóm hàng chính đều giảm
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Tám giảm 5,4%.
Đáng chú ý, trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái với nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 1,996 tỷ USD, giảm 11,2%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 231 triệu USD, giảm 33,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,06 tỷ USD, giảm 3,3%.
Nhiều mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 12%, hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,9%, giày dép các loại giảm 38,5%...
Dù giảm trong tháng Tám, song tính từ đầu năm, sau 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 212,55 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 19,2%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 35,5%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 42,7%; thép các loại tăng 43,5%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 29,5%; vải các loại tăng 27,8%; bông các loại tăng 32,8%; xăng dầu các loại tăng 14,7%...
Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát đạt 13,5 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhóm hàng này, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 16,4%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 35,5%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 72,2%, Phế liệu sắt thép tăng 104,4% về kim ngạch….
Với kết quả trên, trong tháng 8/2021 ước nhập siêu của cả nước là 1,3 tỷ USD. Còn sau 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD.)
Đẩy mạnh kiểm soát các mặt hàng chiến lược
Xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Theo đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.
Đơn cử, với nhiều ngành trong nhóm công nghiệp chế biến hiện đang bị đứt gãy cung cầu do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động khi không đáp ứng được các tiêu chuẩn “3 tại chỗ,” “1 cung đường 2 điểm đến.” Nếu kéo dài, tình trạng này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
- Cán cân thương mại tháng 8/2021:
Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt gồm đại diện các cục, vụ thuộc Bộ liên tục làm việc với các doanh nghiệp phía Nam, nắm bắt khó khăn và tham mưu Bộ để tham mưu với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vận chuyển hàng hóa thiết yếu; đề xuất tiêm vaccine cho đội ngũ vận chuyển, logistics; đề xuất tạo "luồng xanh" đường thủy…
Từ Tổ công tác đặc biệt miền Nam, hiện nay, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt miền Bắc và miền Trung.
“Các Tổ công tác đang tập trung tháo gỡ khó khăn để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, qua đó giúp lấy lại đà tăng trưởng trong sản xuất, đóng góp cho hoạt động xuất khẩu,” ông Hải nói.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng liên tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh; đồng thời, tích cực đưa hàng hóa tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử. Các hoạt động này đã giúp tiêu thụ rất tốt nông sản cho các địa phương: Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, các tỉnh, thành phố phía Nam…
Đáng chú ý, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 yêu cầu các đơn vị trong Bộ phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng liên quan giám sát chặt chẽ trước các biến động như vậy để đề xuất, tham mưu những biện pháp quản lý xuất khẩu, nhập khẩu cho phù hợp.
Các đơn vị liên quan của Bộ cũng sẽ có giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng mà chúng ta thấy có sự biến động về giá trong thời gian vừa qua. Ví dụ như mặt hàng phân bón, sắt thép hoặc là những mặt hàng mà có tính thiết yếu liên quan đến an ninh năng lượng như mặt hàng xăng dầu.
“Tôi tin rằng với tiềm lực, kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian vừa qua, cộng với những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do và uy tín mà doanh nghiệp đã thiết lập được thì sẽ nhanh chóng lấy lại đà phục hồi xuất khẩu trong thời gian tới,” ông Hải nói./.