Dịch bệnh MERS tiếp tục tác động tiêu cực tới kinh tế Hàn Quốc

Nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh sự bùng phát của Hội chứng suy hô hấp vùng Trung Đông (MERS) đã tác động tiêu cực đến chi tiêu dùng.
Dịch bệnh MERS tiếp tục tác động tiêu cực tới kinh tế Hàn Quốc ảnh 1Kiểm tra thân nhiệt cho người dân Hàn Quốc để phòng tránh lây nhiễm MERS. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong quý 2/2015, nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh sự bùng phát của Hội chứng suy hô hấp vùng Trung Đông (MERS) đã tác động tiêu cực đến chi tiêu dùng, trong khi xuất khẩu không thể giúp nền kinh tế Xứ sở Kim chi thoát khỏi tình trạng sụt giảm kéo dài.

Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), trong quý 2/2015, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong hơn hai năm qua và thấp hơn dự báo mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó.

Các cơ sở kinh doanh tại Hàn Quốc trong đó có các trung tâm mua sắm, nhà hàng và rạp chiếu phim đều thông báo doanh thu giảm mạnh trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và hạn chế tới những nơi đông người.

Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 22.000 tỷ won (19,8 tỷ USD), chủ yếu hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi MERS như ngành du lịch và dịch vụ.

Lĩnh vực du lịch của Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lượng du khách nước ngoài đến Hàn Quốc trong tháng Sáu đã sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu (chiếm hơn 50% nền kinh tế) giảm liên tục trong năm nay, phần lớn do đồng won lên giá so với đồng yen và đồng euro.

Ngoài ra, giá dầu thế giới đi xuống cũng góp phần vào sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu, khi ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của Hàn Quốc.

Hồi đầu tháng này, BoK lần thứ ba trong năm nay đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Hàn Quốc từ 3,1% xuống 2,8%, trong khi tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5%.

Kể từ ngày 4/7, Hàn Quốc không ghi nhận thêm ca nhiễm MERS nào. Tuy vậy, Thống đốc BoK Lee Ju-Yeol cảnh báo ảnh hưởng của dịch bệnh chết người này đối với nền kinh tế sẽ kéo dài đến hết tháng Tám./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.