Dịch COVID-19: Ấm áp tình cảm trong Ngôi nhà chung ở khu cách ly

Ngôi nhà chung tại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng An ninh thuộc Trung đoàn Bộ binh 991 (Gia Lai) đã chiếm trọn tình cảm của hơn 1.000 công dân đến đây cách ly.
Dịch COVID-19: Ấm áp tình cảm trong Ngôi nhà chung ở khu cách ly ảnh 1Lực lượng vũ trang địa phương tận tâm với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Hơn 1.000 công dân Việt Nam, Lào, Campuchia hiện đang sống cùng nhau trong Ngôi nhà chung tại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng An ninh thuộc Trung đoàn Bộ binh 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) trong sự đùm bọc, chăm sóc tận tâm của cán bộ, chiến sỹ nơi đây.

Thiếu tá Huỳnh Văn Kiên, Chỉ huy Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng An ninh, Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, cho biết tập thể cán bộ, chiến sỹ chúng tôi luôn tự quán triệt, đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hình ảnh người lính Cụ Hồ trong công tác phục vụ nhân dân, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó, góp một phần nhỏ trong việc đẩy lùi, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài việc thăm khám, động viên hướng dẫn cách tự chăm sóc y tế, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ tại Ngôi nhà chung này còn lo từng bữa ăn, giấc ngủ, đời sống tinh thần cho các công dân trong khu cách ly.

Ngôi nhà chung hiện có đủ các thế hệ già trẻ, cán bộ, công nhân của nhiều dân tộc trong và ngoài nước, tất cả đều được đối xử công bằng, đều được quan tâm, chăm sóc như nhau.

Vợ chồng anh Trần Ngọc Hà (xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là nhân viên của Công ty Cao su thuộc Tập đoàn Gemadept Hồ Chí Minh, công tác tại Campuchia được 9 năm. Từ Campuchia về Việt Nam để sinh con thứ 3, cả mẹ anh, vợ chồng anh và 2 đứa con nhỏ đang thực hiện cách ly y tế theo quy định tại Ngôi nhà chung.

[Cận cảnh ngôi nhà chung của những người bị cách ly y tế ở Gia Lai]

Những lo lắng bỡ ngỡ ban đầu của gia đình anh Hà sớm qua mau, bởi sự thân thiện, tận tâm, tận tình của cán bộ, chiến sỹ nơi đây.

Anh Trần Ngọc Hà cho hay anh có một cảm giác gần gũi, thân thiện như người trong gia đình bởi các chăm sóc, hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo của cán bộ, chiến sỹ trong khu cách ly.

"Vợ tôi đang mang thai tháng thứ 8 và gia đình có con nhỏ nên vợ, con tôi đều có chế độ ăn uống, chăm sóc riêng. Cảm giác vui vẻ, thoải mái như ở nhà làm cho mọi người trong khu cách ly lạc quan phòng chống dịch bệnh một cách tích cực," anh Hà nói.

Việc tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cho mọi người trong khu cách ly được thiết lập như mặc định từ tính cách tận tâm "vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ" của những người lính Bộ đội Cụ Hồ; tuy vậy, đội ngũ y bác sỹ trong Ngôi nhà chung cũng rất nghiêm khắc trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.

Những công dân mới vào được đội ngũ cán bộ, chiến sỹ Ngôi nhà chung hướng dẫn tác phong ăn uống hợp vệ sinh, đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, cập nhật, khai báo y tế thường xuyên.

Thái Thị Ánh Phượng, là sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành Điều dưỡng của Trường Đại học Đông Á-Đà Nẵng, trước khi về Gia Lai, cô đã thực tập sinh tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi tâm dịch của đợt COVID-19 thứ 2.

Là sinh viên chuyên khoa điều dưỡng, Phượng luôn ý thức được việc ăn ở sạch sẽ, hợp vệ sinh sẽ giúp đẩy lùi dịch bệnh, chính vì thế, khi về Ngôi nhà chung, Phượng cũng đã cùng cán bộ, chiến sỹ khu cách ly hướng dẫn, giúp những người xung quanh dọn dẹp phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giảm tải phần nhỏ công việc hằng ngày của các anh, chị thường trực Ngôi nhà chung.

Phượng cho hay bản thân cô thấy ở đây không gian, môi trường sống thoáng đãng, thoải mái.

Cũng trong ngành y, Phượng hiểu được những vất vả của cán bộ, chiến sỹ đang chăm sóc người cách ly trong Ngôi nhà chung nên tận dụng thời gian cách ly ở đây, cô cố gắng thực hiện đúng quy trình cách ly y tế cho bản thân, đồng thời, hỗ trợ các cán bộ, chiến sỹ trong công tác phòng, chống dịch để giúp người dân hoàn thành thời gia cách ly một cách nghiêm túc.

Hàng trăm hoàn cảnh gia đình, nỗi niềm cá nhân đều được quan tâm, chia sẻ trong Ngôi nhà chung.

Mỗi người một công việc, một điều kiện và hoàn cảnh sống khác nhau nhưng khi về sống chung tại đây, họ đã có những kỷ niệm đáng nhớ.

Họ cảm phục sự tận tâm, tận tình, trách nhiệm của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ trong Ngôi nhà chung chẳng quản sớm khuya vất vả, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho bà con...

Tuy nhiên, ít ai biết được đã hơn 6 tháng nay những cán bộ, chiến sỹ này đã hy sinh tình cảm gia đình, gác lại tình cảm cá nhân để mang lại sự bình yên cho công dân khi về đến Ngôi nhà chung này.

Đại úy Phạm Duy Đông, nhân viên y tá của Trung tâm, cho biết 6 tháng nay, anh thường xuyên vắng nhà vì đảm nhận nhiệm vụ trong khu cách ly.

Quãng thời gian ở Ngôi nhà chung, dẫu chỉ ở cùng nhau 14 ngày nhưng sẽ là quãng thời gian không thể quên của những người từng đến đây. Họ gửi gắm lại tình cảm biết ơn sâu sắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục