Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ đã từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trong hơn 2 tháng qua nhằm khôi phục nền kinh tế đã kiệt quệ vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng đang khiến hàng nghìn nhà máy ở nước này đối mặt với nhiều khó khăn trong việc nối lại sản xuất.
Các đô thị lớn từng là nơi thu hút đông đảo người lao động đến từ các vùng nông thôn nghèo, nay lại phải chịu tác động từ dòng di cư ngược, sau khi hàng triệu người lao động lũ lượt bỏ về các miền quê xa xôi trong thời gian diễn ra lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn virus lây lan.
Nhiều người không chắc họ có quay trở lại hay không.
Theo ông Sanjeev Kharbanda, một giám đốc của Aqualite Industries, hãng sở hữu một nhà máy giày dép ở bang Haryana, miền Bắc Ấn Độ, 60% lao động của nhà máy đã về quê và cơ sở này khó có thể vận hành được với chỉ 1/3 nhân lực.
Ông Kharbanda cho biết thêm đơn vị sản xuất giày thể thao của công ty đang khá nhàn rỗi do không có công nhân lành nghề vận hành máy móc công nghệ cao.
Cơ sở này hiện chỉ áp dụng một ca làm, chi phí sản xuất đã gia tăng trong khi lợi nhuận sụt giảm.
Tại thành phố Surat của bang miền Tây Gujarat - nơi gia công và đánh bóng 90% kim cương của thế giới - nhiều nhà máy đã không thể mở lại sau khi hơn 2/3 số công nhân bỏ về quê.
Trong khi đó, các nhà máy tinh chế muối của Gujarat đã bắt đầu tăng lương gấp đôi để thu hút công nhân trở lại làm việc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng người lao động có thể sẽ không sớm quay trở lại.
Giáo sư Santosh Mehrotra tại Đại học Jawaharlal Nehru nhấn mạnh: "Trên thực tế, rất nhiều ngành sản xuất nằm ở chính những bang chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh như Tamil Nadu, Gujarat, Maharashtra, Delhi. Đây là những khu vực mà người lao động đã rời bỏ với số lượng lớn, theo cách tự nhiên... Họ sẽ không vội vã quay trở lại."
Tại quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này ước tính có khoảng 100 triệu lao động di cư, chiếm gần 1/5 lực lượng lao động và đóng góp chừng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
[Dịch COVID-19: Ấn Độ vượt Italy trở thành vùng dịch lớn thứ 6 thế giới]
Nhiều người làm việc với mức lương thấp trong một loạt lĩnh vực như dệt may, xây dựng, khai khoáng và các doanh nghiệp nhỏ.
Khi chính phủ bất ngờ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, họ lập tức bị mất việc làm và không thể chi trả tiền thuê nhà.
Không có phương tiện giao thông công cộng sau khi dịch vụ tàu hỏa và xe buýt liên bang bị đình chỉ, người lao động di cư bắt đầu cuốc bộ về quê trên những hành trình dài dưới cái nóng thiêu đốt.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Save Life Foundation, khoảng 200 người đã chết vì kiệt sức hoặc tai nạn.
Cuối cùng, từ tháng Năm vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức các chuyến tàu đặc biệt để đưa hàng triệu người kẹt lại trong các thành phố về quê.
Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Ấn Độ - vốn đã giảm tốc trước đại dịch - sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu lao động, ít nhất trong ngắn hạn.
Kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 11 năm và các nhà phân tích đang hướng đến một kết quả tăng trưởng âm sâu trong quý hiện tại.
Chính phủ đã công bố gói kích thích trị giá 20.000 tỷ rupee (266 tỷ USD), nhưng giới quan sát không kỳ vọng về một cú huých tức thì, ít nhất không phải trong ngắn hạn, trong khi có những lo ngại dòng người di cư ngược có thể khiến nền kinh tế bị thụt lùi 15 năm.
Theo ông Mehrotra, một số lao động di cư có thể sẽ quay lại các đô thị lớn, nhưng nhiều người sẽ tìm việc làm tại các thị trấn nhỏ gần nơi ở vốn ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Không rõ họ có tìm được việc làm ở quê nhà hay không, khi mà kinh tế nông thôn cũng đang bết bát do giá cả và năng suất mùa màng thấp, nhưng với Mohammed Naseem Aktar, công nhân tại một công ty xuất khẩu ở New Delhi, anh sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Chia sẻ khi đang xếp hàng đăng ký một chỗ ngồi trên tàu, Aktar cho biết anh đã không có việc làm trong 2 tháng ở thủ đô và phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Dịch bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm và giờ anh chỉ muốn trở về với gia đình của mình.
Tính đến ngày 7/6, Ấn Độ đã ghi nhận trên 250.000 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 7.200 người tử vong.
Từ ngày 8/6, nước này cho phép mở lại các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng và địa điểm tôn giáo, trừ một số khu vực điểm nóng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh./.