Dịch COVID-19: Campuchia hoãn dự án xây dựng dùng vốn nhà nước

Campuchia có thể hoãn tất cả các dự án xây dựng dùng vốn nhà nước cho đến năm tới và lúc đó họ sẽ biết ngân sách còn bao nhiêu sau khi chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc gặp thường niên của Bộ Y tế Campuchia hôm 4/3 tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết chính phủ sẽ hoãn tất cả các dự án xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước để dành ngân sách chuẩn bị ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ông Hun Sen nhấn mạnh: "Tất cả các dự án xây dựng bằng tiền ngân sách sẽ chưa khởi công ngay và cần phải hoãn lại trừ khi dự án đó có một phần vốn nước ngoài." Campuchia có thể hoãn tất cả các dự án này cho đến năm tới và lúc đó họ sẽ biết ngân sách còn bao nhiêu sau khi chống dịch COVID-19.

Báo Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Campuchia cảnh báo một số bộ trưởng không được yêu cầu tăng ngân sách để mở rộng bộ vào thời điểm này. Ưu tiên của Campuchia là ngăn chặn dịch COVID-19 trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

[Campuchia sẽ cắt giảm 50% chi tiêu của các cơ quan nhà nước]

Người phát ngôn Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Nop Sothonvichet không tiết lộ số tiền chi cho các dự án của chính phủ trong năm nay. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Giao thông và Công chính Kong Vimean cũng không đề cập đến kinh phí làm đường giao thông.

Ông Chan Sophal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Campuchia, cho rằng việc hoãn các dự án xây dựng bằng vốn nhà nước sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Campuchia trong năm nay.

Dự kiến, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chỉ vào khoảng 6% năm 2020. Các dự án cơ sở hạ tầng thường niên của Chính phủ Campuchia tiêu tốn khoảng 400 triệu USD, bao gồm các hạng mục như bảo trì đường liên tỉnh, xây dựng kênh mương và trường học.

Cũng trong ngày 4/3, Chính phủ Campuchia đã quyết định cắt giảm 50% chi tiêu của các cơ quan nhà nước, nhưng riêng Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Hội đồng Bộ trưởng chỉ giảm 25%.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen khẳng định lương của các viên chức nhà nước sẽ không bị cắt giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.