Dịch COVID-19: Để doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam

Đại diện doanh nghiệp FDI cho biết, vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam; đồng thời, mong muốn Chính phủ tiếp tục ưu tiên vaccine tiêm cho người lao động và mở cửa để phục hồi sản xuất.
Dịch COVID-19: Để doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với một số bộ ngành, tỉnh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với chủ đề: "Việt Nam môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 27/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, đầu tư FDI đóng vai trò rất quan trọng với Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, nhưng trong 9 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì mức tăng và tăng mạnh hơn so với 8 tháng.

"Kết quả trên đã thể hiện Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Chính phủ đã lắng nghe các kiến nghị của nhà đầu tư, giao các bộ, ngành, địa phương xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam," Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Đại diện một số doanh nghiệp FDI cho biết, vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam; đồng thời, mong muốn Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh tiếp tục ưu tiên vaccine tiêm cho người lao động và mở cửa để hồi phục sản xuất kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính…

Đánh giá về triển vọng đầu tư FDI tại Việt Nam thời gian tới, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội.

Trung tâm R&D này sẽ nghiên cứu phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, góp phần nâng tầng tổ hợp Samsung tại đây.

Theo ông Choi Joo Ho, nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn.

[Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các doanh nghiệp FDI sau đại dịch COVID-19]

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Samsung Việt Nam vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu. Nếu nhà máy Samsung tại Thành phố Hồ Chí Minh sớm hoạt động trở lại thì hãng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay.

Về chiến lược đầu tư của Samsung tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho khẳng định Samsung sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư vào thị trường này dù làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đang gây nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất.

Với sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị cho 6 nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam.

"Nếu trước đây Samsung chỉ đầu tư và sản xuất, lắp ráp thì sắp tới tập đoàn sẽ nâng cấp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển để đưa Samsung Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất lớn trên toàn cầu," ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Dịch COVID-19: Để doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam ảnh 2Dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện cho bếp gas của Công ty TNHH Paloma Việt Nam tại khu công nghiệp, đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Là một trong những nhà đầu tư vừa quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết tập đoàn vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương.

Các ý kiến của doanh nghiệp FDI đều được các bộ ngành, địa phương ghi nhận và trả lời ngay tại buổi tọa đàm. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho hay, người lao động tại các doanh nghiệp đã được đưa vào đối tượng ưu tiên tiêm phòng vaccine để hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất hiệu quả.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, Đồng Nai thu hút đầu tư FDI hơn 30 năm, đến nay có 1.559 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 32,3 tỷ USD.

Trong gần 9 tháng của năm 2021, dù dịch bệnh nhưng tỉnh vẫn thu hút đầu tư FDI được hơn 957 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh giải quyết việc làm cho gần 613 nghìn lao động.

"Trong tình hình khó khăn của dịch bệnh COVID-19, Đồng Nai sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp khôi phục sản xuất an toàn; đồng thời, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong lựa chọn phương án phục hồi sản xuất. Tỉnh sẽ có sự hỗ trợ. Đồng Nai tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh... ," Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.