Dịch COVID-19: Doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng đa kênh phục vụ mua sắm

Nhiều siêu thị đã phát triển việc mua bán hàng trực tuyến, liên hệ siêu thị qua tổng đài hoặc mạng xã hội Zalo, Viber... đồng thời phục vụ giao hàng tại nhà.
Dịch COVID-19: Doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng đa kênh phục vụ mua sắm ảnh 1Nhiều doanh nghiệp thực hiện bán hàng đa kênh và phục vụ giao hàng tại nhà. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hàng hóa trên thị trường trong những ngày thực hiện cách ly xã hội được các doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây bất ổn thị trường.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh các phương thức mua bán hàng trực tuyến nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân cũng như hạn chế nguy cơ lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Thuận lợi, nhiều tiện ích

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ ngày 1/4, Tập đoàn BRG (đơn vị vận hành các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart, Hapro Food, Intimex, Seika Mart, Fuji Mart) đã mở thêm 10 cửa hàng tiện ích Hapro Food tại các địa điểm trung tâm để giúp người tiêu dùng Thủ đô thuận tiện trong việc đi lại, rút ngắn khoảng cách đến các điểm mua sắm.

[Hàng hóa dồi dào, không có hiện tượng tập trung mua hàng đột biến]

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm bán lẻ BRG cho biết ngoài việc phục vụ khách đến mua sắm trực tiếp tại các điểm bán hàng, Hapro còn phát triển việc bán hàng đa kênh qua thư điện tử, trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook, điện thoại… và giao hàng tại nhà.

“Trong những ngày qua, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong chuỗi BRG Mart đã giao hàng miễn phí cho hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng nhanh, Hapro đã tăng cường nhân viên trực tổng đài, thường xuyên cập nhật mặt hàng, giá cả hàng hóa trên Fanpage...,” ông Dũng thông tin.

Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart gửi đến tận nhà phiếu đặt hàng, khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục và liên hệ siêu thị qua tổng đài hoặc mạng xã hội Zalo, Viber...

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, Co.opmart đã tăng nhân sự giao hàng, nhận đơn đặt hàng trực tuyến của khách để phục vụ nhu cầu mua sắm tại siêu thị.

Trong khi đó, ông Đỗ Quang Thuần, đại diện hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện ích Vinmart+ tại Hà Nội thông tin đã triển khai các kênh mua hàng linh hoạt qua điện thoại, qua app (ứng dụng) VinID cũng như website https://id.vin/mWw. Khách hàng chỉ cần chọn hàng, hình thức thanh toán, sau đó hàng hóa sẽ được chuyển đến tận nhà.

Nắm bắt nhu cầu khách hàng đi một lần mua cho nhiều ngày, các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn đẩy mạnh việc đa dạng các mặt hàng thực phẩm từ sơ chế đến nấu chín, đông lạnh.

Đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đều khẳng định, thức ăn sẵn đưa vào hệ thống kinh doanh phải đáp ứng nhiều tiêu chí như hương vị truyền thống, không chất bảo quản, không phụ gia thực phẩm... và được kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào, khâu chế biến đến thành phẩm.

Dịch COVID-19: Doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng đa kênh phục vụ mua sắm ảnh 2Lượng hàng dự trữ tại nhiều doanh nghiệp cũng tăng mạnh sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nguồn hàng đa dạng

Sau một tuần thực hiện cách ly xã hội, các doanh nghiệp bán lẻ đã xây dựng nhiều phương án để cung ứng hàng hóa kịp thời cũng như bình ổn thị trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết để bảo đảm việc cung ứng hàng liên tục, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp lớn để tăng lượng hàng gấp 3 lần so với ngày bình thường.

“Hằng ngày, hàng hóa được đưa về các siêu thị thuộc hệ thống của Co.opmart hai lần. Trường hợp có đột biến, nhà cung cấp sẽ tăng số chuyến. Doanh nghiệp  cũng chủ động điều xe đến lấy hàng, bảo đảm không để việc đứt hàng xảy ra,” bà Dung cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Thái Dũng, toàn bộ hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích trong hệ thống của BRG đã chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu.

“Trường hợp cần thiết, hệ thống sẽ mở cửa sớm và đóng muộn hơn. Thực tế, trong những ngày qua, hàng hóa luôn dồi dào, giá cả ổn định,” ông Dũng nói

Trong khi đó, tại các cửa hàng thực phẩm sạch như Bác Tôm trên phố Nguyễn Công Trứ, Ecofoods Nguyễn Thị Thập… lượng hàng hóa, nông sản, thực phẩm rất phong phú, được đưa về từ các vùng nuôi, trồng sản phẩm an toàn tại nhiều tỉnh, thành phố.

Ngoài việc bán các loại thực phẩm vùng, miền các doanh nghiệp này còn bán nhiều món ăn sơ chế sẵn rất thuận tiện cho người nội trợ…

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 26 Trung tâm thương mại, 141 siêu thị, trên 1.000 cửa hàng tiện lợi, hệ thống cửa hàng tạp hóa trên các tuyến phố, 128 chuỗi kinh doanh thực phẩm.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 455 chợ, 492 cửa hàng xăng dầu, 674 cửa hàng kinh doanh Gas, các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, xăng dầu, gas…

Đáng chú ý, trong các ngày dịch bệnh vừa qua, các cửa hàng bán hàng thiết yếu vẫn mở cửa hoạt động bình thường và dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân.

Ngoài ra, nguồn cung hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, chuỗi, chợ trên địa bàn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến.

Cũng theo Sở Công Thương, hiện Hà Nội hiện có 36 đơn vị sản xuất khẩu trang và 7 đơn vị sản xuất chế phẩm diệt khuẩn. Các sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn và chế phẩm diệt khuẩn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Ngoài ra, Sở Công Thương đã phân công cán bộ duy trì thực hiện tốt việc trao đổi, nắm bắt tình hình cung ứng điện của các Công ty điện lực trên dịa bàn. Đến nay chưa ghi nhận trường hợp xảy ra sự cố mất an toàn điện hoặc thiếu hụt nguồn cung cấp điện ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của Thành phố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.