Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 4/5 công bố báo cáo cho hay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1/2020 của đặc khu này đã giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm sâu hơn so với mức dự báo giảm 6,5% của thị trường.
Đây là mức giảm kỷ lục của kinh tế Hong Kong. Con số này vượt cả mức giảm kỷ lục trước đó là 8,3% ghi nhận trong quý 3/1998.
GDP quý 1/2020 của Hong Kong cũng đã giảm 5,3% so với quý trước đó, ghi dấu quý giảm thứ ba liên tiếp của kinh tế đặc khu này.
Dịch COVID-19 tại Hong Kong bước đầu đã được kiểm soát và chính quyền tại đây chuẩn bị nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội.
[Mỹ liên tiếp công bố các số liệu kinh tế đáng quan ngại]
Tuy nhiên, Cục trưởng Tài chính Trần Mậu Ba trước đó dự báo rằng kinh tế Hong Kong vẫn sẽ tiếp tục chìm sâu vào suy thoái trước những tác động của tranh chấp thương mại Trung-Mỹ, các sự kiện xã hội tại Hong Kong và ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hiện Hong Kong đang trong giai đoạn tồi tệ hơn cả trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Tác động của tình trạng suy thoái kéo dài có thể dễ dàng nhận thấy ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hong Kong, khi họ vốn đã phải chịu ảnh hưởng từ làn sóng biểu tình từ năm ngoái và hiện nay là dịch COVID-19.
Ba động lực tăng trưởng chính của kinh tế Hong Kong là xuất khẩu, tiêu thụ và đầu tư đều bị đình trệ.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng gia tăng khi ngành du lịch, bán lẻ, vận tải và các ngành khác đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Ba là 4,2%, mức cao nhất trong gần 9 năm qua.
Về triển vọng quý 2/2020, ông Trần Mậu Ba cho rằng tình hình cũng chưa thể khởi sắc. Cho dù có sự cải thiện nhưng cũng sẽ rất chậm.
Do dịch bệnh chưa được kiểm soát, xuất khẩu khó có thể được cải thiện, trong khi du lịch, đầu tư và thương mại quốc tế cũng khó có thể tăng nhanh trở lại.
Theo ông, tác động lớn nhất đến nền kinh tế là tiêu dùng tư nhân, vì vậy chính quyền đặc khu sẽ tiếp tục tăng thêm khoản chi để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động.
Nếu thời gian tới dịch bệnh trên toàn cầu có thể được kiểm soát, kinh tế Hong Kong mới có thể từng bước thoát khỏi khó khăn 6 tháng cuối năm nay.
Ông Ôn Gia Vĩ, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Dah Sing, cho rằng sự sụt giảm trong quý I gần như nằm trong dự kiến, nhưng chi tiêu cá nhân giảm đến 10,2% là điều khá bất ngờ.
Ông phân tích rằng hiện tại niềm tin tiêu dùng vẫn còn yếu và phải đến tháng 5/2020 mới có thể cải thiện.
Kinh tế Hong Kong dự kiến sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong quý 2/2020, với mức giảm có thể lên đến 10% so với cùng kỳ năm ngoái./.