Dịch COVID-19: Quảng Ninh kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân

Tỉnh đề nghị các đơn vị có kế hoạch cụ thể về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm như hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông, ngao hai cùi, trứng gà,... để thống nhất đầu mối tiêu thụ.
Dịch COVID-19: Quảng Ninh kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân ảnh 1Thu hoạch hàu Thái Bình Dương. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số thị trường truyền thống đối với sản phẩm nông sản của tỉnh Quảng Ninh bị ngưng trệ, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân trên địa bàn, nhất là ở các địa phương trong vùng có dịch.

Để tháo gõ khó khăn và hỗ trợ nông dân, các hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức, đơn vị thành viên tru tiên đưa các sản phẩm nông sản cùa tỉnh vào thực đơn các bữa ăn tại các bếp ăn của đơn vị, cơ quan, gia đình.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc Phòng) chỉ đạo các đơn vị thành viên có kế hoạch cụ thể về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm (số lượng từng sản phâm tiêu thụ hàng ngày, quy cách sản phẩm...) đặc biệt là các sản phẩm như hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông, ngao hai cùi, trứng gà,... để thống nhất đầu mối tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân các địa phương, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh để chiêu thương, quảng bá các sản phẩm tới các khu công nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh để thống nhất kể hoạch cụ thể về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm làm đầu mối cung-cầu cho toàn bộ các sản phẩm đến khi ổn định được tình hình; chủ trì làm việc với các trung tâm thương mại lớn, các chợ đầu mối để thống nhất phương án kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh.

[Quảng Ninh đưa chế biến, chế tạo thành trụ cột của ngành công nghiệp]

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương làm việc với ủy ban nhân dân các địa phương có sản lượng nông sản lớn; các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn và các đơn vị có đủ điều kiện, năng lực chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp để thống nhất phương án tổ chức sơ chế, cấp đông đối với các sản phẩm như hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông ngao hai cùi và tôm nuôi trên địa bàn tỉnh và nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ từ phía các cơ sở sàn xuất, sơ chế, chế biến nông sản.

Để tạo điều kiện các phương tiện hàng hóa lưu thông qua vùng dịch, ngày 28/1, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có chỉ đạo cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất được phép hoạt động nhưng phải kiểm soát và duy trì số lượng người trên phương tiện theo quy định phòng chống dịch.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chính quyền các địa phương chỉ đạo các chốt kiểm soát thực hiện cho phép tất cả các phương tiện vận tải đang chuyên chở hoặc đi nhận hàng (bao gồm hàng hóa các loại, nguyên vật liệu phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh) được phép đi qua các chốt kiểm soát với các tỉnh ngoài và các chốt kiểm soát nội tỉnh (trừ phương tiện xuất phát từ các vùng bị phong tỏa do có dịch).

Liên quan đến việc phòng chống dịch COVID-19, tối 31/1, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thịnh Bình (thị xã Đông Triều) đã trao tặng cho Ban chỉ đạo Phòng chống dịch thị xã Đông Triều kinh phí 1,2 tỷ đồng và 375.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.