Trên 2,1 triệu con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy chỉ sau hơn ba tháng xuất hiện dịch đã cho thấy mức độ nguy hại của bệnh dịch này đối với ngành chăn nuôi Việt Nam.
Danh sách các địa phương xuất hiện ổ dịch cứ nối dài và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tính đến ngày 3/6, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 52 tỉnh, thành trên cả nước. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nếu không làm tốt việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan ra cả nước, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày vẫn xuất hiện trở lại.
Điều đó cho thấy trong “cuộc chiến” này, các cấp, ngành, địa phương và người chăn nuôi không được phép chủ quan, lơ là nếu không muốn cả ngành chăn nuôi “vỡ trận.”
[Kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán thịt lợn chưa kiểm dịch]
Không phải ngẫu nhiên mà trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, Ban Bí thư đã phải ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo sâu sát và yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn dịch bệnh này.
Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Không những vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các Công điện, Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định, tham gia hội nghị trực tuyến với các địa phương... và trực tiếp kiểm tra việc chống dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương “phòng chống dịch như chống giặc, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính” và cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
Thủ tướng yêu cầu các cơ sở, địa phương chưa bị dịch cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa, không đợi có dịch rồi mới chống. Các địa phương cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm tình hình, không chủ quan, lơ là; hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và cho ngành nông nghiệp.
Mặc dù sự vào cuộc là rất quyết liệt nhưng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập do mật độ chăn nuôi lợn dầy đặc khi cả nước có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn.
Ở giai đoạn đầu, khi bệnh dịch xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế. Tuy nhiên, khi bệnh dịch lây lan rộng và diễn biến phức tạp thì nhiều bất cập, xuất hiện tại nhiều địa phương trong quá trình triển khai.
Cụ thể, các địa phương đã tổ chức chôn lợn bệnh không đúng quy định, để xác lợn trong chuồng quá lâu, thậm chí để bốc mùi rồi mới tổ chức chôn lấp. Trong quá trình vận chuyển lợn bệnh đi tiêu huỷ do không đảm bảo nên đã để máu, phân... rơi vãi ra đường và đây chính là nguồn lây lan dịch bệnh. Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện tình trạng vứt xác lợn chết ra sông như tại Bắc Giang.
Cùng với đó, một số địa phương chưa chủ động giám sát, còn chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc dập dịch. Người chăn nuôi tại Phú Thọ và nhiều địa phương khác vẫn sử dụng thức ăn thừa cho lợn. Hay như mới đây, tại tỉnh Tuyên Quang có hai cán bộ thú y đã bị tạm đình chỉ công tác do những sai phạm trong kiểm dịch khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn 40 con lợn với điểm đến cuối cùng là huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, theo Thông báo số 30/TB-SNN-CNTY của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang về kết quả xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi đối với số lợn trên khi đưa vào địa bàn tỉnh Hà Giang tiêu thụ thì 1/3 mẫu phủ tạng dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Rõ ràng, với những hành vi như trên chưa cho thấy được sự đồng tâm hiệp lực, chung sức chung tay cùng nhau nỗ lực dập dịch tả lợn châu Phi.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị từng tỉnh rà soát, cụ thể hóa các phương án ứng phó cho phù hợp với thực tế, có phương án xử lý lợn bệnh, không để ảnh hưởng môi trường. Các kịch bản phải được thực hiện bài bản với sự huy động, vào cuộc của các lực lượng.
“Đây là loại bệnh đặc biệt thì việc ứng phó cũng phải đặc biệt,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Hiện nay, không chỉ các địa phương có dịch, các địa phương không có dịch cũng đã có những phương án đảm bảo chăn nuôi an toàn, kiểm soát việc vận chuyển lợn, thịt lợn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh đã lập danh sách các bước kiểm soát an toàn sinh học và khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn, đặc biệt là các hộ tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn...
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn, nhất là đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà; đồng thời tập trung xây dựng chuỗi chăn nuôi lợn an toàn.
Doanh nghiệp tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả hơn; sản xuất kit chẩn đoán (như là một bộ công cụ để kiểm tra bằng cách lấy một lượng nhỏ mẫu và chờ kết quả trong thời gian ngắn nhất) nhằm phát hiện nhanh bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết, kinh nghiệm tại Thái Lan và Trung Quốc cho thấy việc thành lập các trạm kiểm soát dịch bệnh cấp quốc gia là vô cùng quan trọng.
Mặc dù mỗi quốc gia chăn nuôi có đặc thù riêng, nhưng ông Vũ Anh Tuấn cho rằngkhâu sát trùng, khử trùng, kiểm soát giết mổ, con giống đảm bảo sạch nguồn bệnh trước khi ra thị trường vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Tại Thái Lan, hiện tất cả các cửa khẩu đều được cơ quan chức năng xây dựng các trạm sát trùng, khử trùng theo hình thức xã hội hóa.
Ông Vũ Anh Tuấn cho biết công ty đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và người chăn nuôi thuốc sát trùng, bộ kit thử nhanh dịch tả lợn châu Phi. Nếu thời gian tới Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xây dựng các trạm kiểm soát dịch bệnh quốc gia theo hình thức xã hội hóa nhằm kiểm soát hiệu quả việc lưu thông lợn giữa hai miền Nam-Bắc, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng giám đốc Masan đề xuất biện pháp kiểm soát ba tuyến. Tuyến 1 là đảm bảo không có bất kỳ lợn hoặc đàn lợn nào nhiễm dịch bệnh được xuất chuồng, xuất trại; tuyến 2 đảm bảo không để bất kỳ con lợn nào nhiễm bệnh vào nhà máy giết mổ; tuyến 3 kiểm soát thành phẩm khi ra khỏi cơ sở giết mổ để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm thịt lợn nào bị nhiễm dịch đến tay người tiêu dùng.
Nếu phát hiện lợn bị dịch bệnh bên trong cơ sở giết mổ thì cơ sở giết mổ phải ngừng hoạt động để thanh trùng, nếu cố tình vi phạm sẽ bị đóng cửa.
Các thông tin về các cơ sở giết mổ an toàn sẽ được công khai trực tuyến trên các trang thông tin điện tử của Cục Thú y./.