Dịch virus Corona làm giá dầu giảm hơn 2% trong phiên 30/1

Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đã giảm 1,52 USD (tương đương 2,5%) xuống 58,29 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 8/11 năm ngoái.
Dịch virus Corona làm giá dầu giảm hơn 2% trong phiên 30/1 ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Qamishli, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 30/1, giá dầu đã giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua, do lo ngại về tác động kinh tế tiềm tàng từ sự lan rộng trên phạm vi toàn cầu của dịch bệnh viêm phổi mới do chủng virus corona mới, trong khi thị trường cũng theo dõi khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiến hành họp sớm.

Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đã giảm 1,52 USD (tương đương 2,5%) xuống 58,29 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 8/11/2019.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,19 (khoảng 2,2%) xuống 52,14 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 10/11/2019.

Giá dầu thô thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua giữa lúc các nhà đầu tư cố gắng đánh giá thiệt hại kinh tế mà dịch virus corona mới gây ra cũng như tác động của nó đối với nhu cầu dầu thô và các sản phẩm khác từ “vàng đen.”

Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva của Thụy Sĩ, vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona mới  (2019-nCoV) gây ra.

[Thị trường dầu mỏ thế giới bị ảnh hưởng do virus corona]

Đây là loại virus gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc đã làm hơn 210 người tử vong và hơn 7.000 người nhiễm ở 17 quốc gia trên thế giới.

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.

Sự bùng phát của dịch virus Corona được cho là sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc, với tổng số ca nhiễm mới cao hơn so với số lượng ca nhiễm bệnh trong đợt bùng phát dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hồi năm 2002-2003.

Trong khi đó, Saudi Arabia đã mở cuộc thảo luận về việc tiến hành sớm cuộc họp chính sách sắp tới của OPEC+ vào đầu tháng Hai thay vì trong tháng Ba, sau khi giá dầu liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây.

Hiện OPEC+, nhóm sản xuất bao gồm các thành viên OPEC và các quốc gia khác như Nga, đã tham gia vào một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu để hỗ trợ giá “vàng đen.”

Hồi tháng 12/2019, nhóm này đã đồng ý duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng Ba năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.