Dịch vụ taxi giá rẻ Uber bị phạt 1,3 triệu USD tại Pháp

Một tòa án của Pháp đã ra phán quyết phạt dịch vụ taxi giá rẻ Uber 1,3 triệu USD do vi phạm quy định khi các tài xế Uber đợi khách trên phố như taxi truyền thống.
Dịch vụ taxi giá rẻ Uber bị phạt 1,3 triệu USD tại Pháp ảnh 1Cảnh sát lật một chiếc xe taxi Uber bị các tài xế taxi truyền thống tấn công tại Paris, Pháp. (Nguồn: businessinsider.com)

Một tòa án tại Paris (Pháp) đã ra phán quyết phạt dịch vụ taxi giá rẻ Uber 1,2 triệu euro (1,3 triệu USD) do vi phạm quy định chở khách của nước này và khoản tiền trên sẽ chuyển cho Liên đoàn Taxi Quốc gia (UNT) Pháp.

Theo phán quyết của tòa, khoản tiền phạt trên liên quan tới đơn kiện của UNT về việc các tài xế Uber đợi khách trên phố như taxi truyền thống.

UNT cho rằng chi nhánh Uber tại Pháp đã "mập mờ" với các lái xe trong mạng lưới Uber về những quy định đối với các xe chở khách tư nhân.

Theo luật của Pháp, các xe taxi tư nhân phải trở về gara sau mỗi chuyến chở khách chứ không được phép đỗ hay đi lại trên đường phố.

Uber bác bỏ các cáo buộc trên, khẳng định công ty đã thông báo theo đúng quy định cho các lái xe về luật này.

Phán quyết của tòa đưa ra trong bối cảnh trên toàn nước Pháp, hàng nghìn tài xế taxi đang tiến hành đình công để phản đối sự cạnh tranh của dịch vụ taxi Uber giá rẻ, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm 20-30% hoạt động của taxi truyền thống.

Uber được thành lập vào năm 2009 tại California, Mỹ, chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống.

Kể từ khi đi vào hoạt động, Uber đã mở rộng dịch vụ của mình tới hàng trăm thành phố tại ít nhất 68 quốc gia trên toàn thế giới, mang tới nhiều lựa chọn mới cho cả người dùng và người lái taxi.

Tuy nhiên, hãng cũng đối mặt với nhiều phản đối từ các doanh nghiệp taxi truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.