Trang The Interpreter của Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Lowy, Australia, vừa đăng bài viết của hai tác giả Hayley Channer và Jeffrey Wilson đánh giá về triển vọng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của các nền kinh tế tiềm năng, bao gồm các ứng cử viên nặng ký như Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc.
Vào tháng 2/2021, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận thương mại tự do gồm 11 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Nhưng Anh không phải là ứng cử viên duy nhất trong cuộc đua. Cho đến nay, 8 nền kinh tế đã thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP bao gồm, Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Hàn Quốc - ứng cử viên nặng ký nhất
Vào tháng 1/2021, Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố sẽ nỗ lực gia nhập CPTPP. Hàn Quốc từng được kỳ vọng là ứng cử viên đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và vẫn coi tư cách thành viên CPTPP là chìa khóa để đa dạng hóa xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
[Vương quốc Anh gia nhập CPTPP: Tương lai có là "lợi bất cập hại"?]
Hàn Quốc có lợi thế nhờ có các quy định trong nước đã gần tương thích với các tiêu chuẩn của CPTPP và chỉ cần tập trung cải cách trong một số lĩnh vực.
Trở ngại chính đối với Hàn Quốc là những khó khăn trong quan hệ song phương với Nhật Bản, bao gồm các tranh chấp tái xuất hiện gần đây về một số "vấn đề lịch sử", cũng như một cuộc chiến thương mại đáng tiếc.
Việc Nhật Bản phản đối các đề xuất gần đây mời Hàn Quốc làm quan sát viên cho Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho thấy mối quan hệ song phương cần được hàn gắn trước khi Hàn Quốc có thể gia nhập CPTPP.
Mỹ - ứng cử viên nặng ký thứ hai
Việc Mỹ tái gia nhập CPTPP sẽ là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với hiệp định này, không chỉ giúp tăng gần gấp ba lần quy mô kinh tế của khối mà còn là một chỉ báo cho thấy cam kết mới của cường quốc số một thế giới đối với các đồng minh và thể chế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Việc Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump là một "đòn chí mạng" đối với TPP, và sự tham gia của Mỹ sẽ đưa CPTPP trở lại vị thế ban đầu là khối thương mại khu vực lớn nhất thế giới.
Năm 2019, ông Joe Biden ủng hộ CPTPP, nói rằng "ý tưởng đằng sau thỏa thuận này là một ý tưởng tốt" và trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, ông nói rằng ông sẵn sàng đàm phán lại tư cách thành viên của Mỹ.
Nhưng vào năm 2021, nhiều trở ngại trong nước vẫn còn, như mất việc làm trong ngành sản xuất, căng thẳng thương mại với Trung Quốc và những lo ngại xung quanh các tiêu chuẩn về môi trường và lao động.
Bất chấp những thách thức, có những lý do xác đáng cho việc Mỹ tham gia CPTPP. Hiệp định này không chỉ giúp tăng xuất khẩu của Mỹ và mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp máy móc, ô tô và nông nghiệp, mà Mỹ có thể tránh phải đàm phán một thỏa thuận thương mại khu vực mới có thể kéo dài trong nhiều năm.
Anh - ứng cử viên ngoài khu vực
Đơn đăng ký chính thức của Vương quốc Anh cho đến gần đây vẫn chưa được xem xét nghiêm túc do quốc gia này nằm ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Động thái này của Anh rõ ràng được thúc đẩy bởi mong muốn nhanh chóng tham gia các công cụ thương mại mới hậu Brexit, nên có thể có những nghi ngờ về tính phù hợp của sự tham gia của Anh.
Nhưng Anh thực sự mang lại những lợi ích. Anh sẽ là thành viên CPTPP lớn thứ hai sau Nhật Bản, tăng thêm sức mạnh đáng kể cho khối. Nền kinh tế dựa trên dịch vụ của nước này sẽ rất phù hợp với sự nhấn mạnh của CPTPP vào các vấn đề thương mại của "Thế kỷ XXI," ví dụ như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và đầu tư.
Câu hỏi chính đối với các thành viên hiện tại là Anh sẽ gia tăng giá trị như thế nào so với các lựa chọn khác. Bởi vì quốc gia này nằm ngoài khu vực và hiện không phải là một đối tác thương mại lớn, lợi ích tiếp cận thị trường từ việc gia nhập của quốc gia châu Âu này sẽ ít hơn so với các ứng cử viên khác.
Nhưng nếu lịch trình cho sự tham gia của Mỹ hoặc Hàn Quốc kéo dài, việc xem xét tư cách thành viên của Anh có thể trở thành một lựa chọn đầu tiên.
"Ngựa đen": Trung Quốc
Trung Quốc đã gây chấn động thế giới vào tháng 11/2020 khi tuyên bố sẽ "tích cực xem xét" việc tham gia CPTPP. Với những quan ngại trong quá khứ và sự ủng hộ nhiệt tình của Trung Quốc đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có tính cạnh tranh với CPTPP, nhiều nhà quan sát cho rằng mối quan tâm của Trung Quốc là không rõ ràng.
Tuy nhiên, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại hàng đầu của gần như tất cả các thành viên CPTPP, việc gia nhập của Trung Quốc mang lại những triển vọng kinh tế hấp dẫn.
Khó khăn chính nằm ở chỗ hệ thống kinh tế của Trung Quốc, vốn được xây dựng dựa trên các doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp lớn, rất không tương thích với các điều khoản về quản trị của CPTPP.
Xung đột chính trị đang diễn ra với Australia, Nhật Bản, Canada... cũng làm giảm khả năng nước này được chào đón nồng nhiệt. Đơn xin gia nhập CPTPP của Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng phải đối mặt với những trở ngại chính trị.
"Đàn ngựa đua": Đông Nam Á
Tại nhiều thời điểm khác nhau, Thái Lan, Philippines và Indonesia đều bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP. Điểm hấp dẫn của việc gia nhập đối với các nước này là rõ ràng. Đó là khả năng tiếp cận ưu đãi với một số thị trường lớn của các nước phát triển và khả năng thu hút đầu tư vào trong nước, đặc biệt cần thiết cho sự phục hồi hậu COVID-19.
Một khi CPTPP mở rộng, những điểm hấp dẫn này sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, yêu cầu đối với việc gia nhập CPTPP sẽ rất cao đối với các nền kinh tế đang phát triển này.
Đó là những đòi hỏi về cải cách kinh tế rất sâu rộng, đặc biệt là về tiêu chuẩn lao động, các doanh nghiệp nhà nước và dịch vụ, sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp nhạy cảm. Đối mặt với những sức ép của đại dịch và nhu cầu phục hồi kinh tế, có thể nói Đông Nam Á có ít tham vọng tham gia CPTPP.
Với việc nộp đơn đăng ký thành viên chính thức, Anh đã bắt đầu cuộc đua. Đây sẽ là động lực để các thành viên mới tiềm năng khác tham gia và tuyên bố ý định của mình, chính thức bắt đầu quá trình gia nhập.
Sự lựa chọn bây giờ sẽ thuộc về các thành viên CPTPP hiện tại. Họ ưu tiên ứng cử viên nào, đàm phán lần lượt hay song song và thậm chí cả việc sửa đổi thỏa thuận hiện có, các vấn đề này đều đang nằm ở trên bàn thảo luận.
Mỗi ứng cử viên là một sự kết hợp độc đáo giữa các điểm mạnh, thách thức và độ phức tạp, và không có dấu hiệu rõ ràng cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào. Dù kết quả ra sao, người chiến thắng rõ ràng là các thành viên CPTPP hiện nay.
Sau khi suýt mất thỏa thuận do Mỹ rút lui cách đây 4 năm, giờ đây có rất nhiều ứng viên đang xếp hàng để tham gia. CPTPP lại có cơ hội thứ hai để trở thành một bổ sung quan trọng cho hệ thống cấu trúc thương mại toàn cầu và khu vực./.