Điểm tựa cho trẻ mồ côi ở tỉnh Long An do đại dịch COVID-19

Tại Long An, đến nay có hơn 3.500 trẻ là F0, 4.000 trẻ F1 và 86 trẻ có cha hoặc mẹ hay cả cha mẹ đều mất vì COVID-19.
Điểm tựa cho trẻ mồ côi ở tỉnh Long An do đại dịch COVID-19 ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống, để lại nhiều mất mát, đau thương.

Tại Long An, đến nay có hơn 3.500 trẻ là F0, 4.000 trẻ F1 và 86 trẻ có cha hoặc mẹ hay cả cha mẹ đều mất vì COVID-19.

Xã Long Thượng từng là vùng đỏ của huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong những ngày cao điểm dịch bùng phát, nhiều trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ.

Bà ngoại và mẹ đều mất, để lại 3 chị em Lê Mai Thanh An, Lê Nguyễn Duy Khánh và Lê Nguyễn Duy Khang. Em Lê Mai Thanh An mới lớp 8, phải nghỉ học để chăm nom các em. Kinh tế gia đình, phụ thuộc duy nhất vào lương của người cha đang làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh Lê Trường Vũ, cha của 3 em, đau xót chia sẻ khi anh chuẩn bị ở lại làm việc tại công ty theo phương thức“3 tại chỗ,” vợ không cho đi vì sợ anh không có người chăm sóc và cũng dễ lây bệnh. Nhưng sau đó 2 tuần, vợ anh ở nhà bị bệnh, rồi qua đời. Anh cũng không thể về chịu tang vì đang trong giai đoạn giãn cách xã hội. Giờ anh cố gắng làm việc để nuôi 3 con.

Sống với ông bà nội từ nhỏ, nhưng đến kỳ nghỉ Hè, 4 chị em Lê Thị Mộng Kiều, Lê Thị Như Huỳnh, Lê Thị Ngọc Hân và Lê Thị Ngọc Diệp, ngụ xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa sẽ được lên với cha mẹ đang làm công nhân ở huyện Đức Hòa. Ai ngờ rằng lần này là lần sau cùng 4 chị em gặp mẹ.

Mẹ các em sốt, ho, đi xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và bệnh chuyển biến nặng, sau 3 ngày thì tử vong. Mộng Kiều bộc bạch năm học này em phải nghỉ học ở nhà phụ bà nội chăm sóc 3 em. Nhiều lúc, các em khóc đòi mẹ, em cũng khóc theo. May mắn là em còn có ông, bà nội chăm sóc.

[Trẻ em mồ côi vì COVID-19: Ưu tiên chăm sóc trẻ ở môi trường gia đình]

Ngay sau khi nắm được thông tin về những trường hợp trẻ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với mong muốn chăm lo lâu dài và toàn diện cho các em, Tỉnh Đoàn Long An nhanh chóng xây dựng kế hoạch vận động các công ty, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nhận đỡ đầu trẻ em không may có cha hoặc mẹ hay cả cha mẹ mất vì COVID-19.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Long An Trần Hải Phú cho hay hình thức thực hiện của mô hình "Đỡ đầu trẻ không may có cha hoặc mẹ hay cả cha mẹ mất vì COVID-19" là mỗi đơn vị nhận đỡ đầu 1 trẻ đến 18 tuổi, mức hỗ trợ thấp nhất 500.000 đồng/tháng. Các đơn vị đoàn cơ sở sẽ vận động một tình nguyện viên thường xuyên đến quan tâm, chăm sóc, động viên tinh thần để trẻ có điều kiện phát triển toàn diện.

Theo bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, nguồn hỗ trợ ban đầu của các cấp, ngành tuy không nhiều nhưng là sự quan tâm đối với những trẻ em không may có cha hoặc mẹ hay cả cha mẹ mất vì COVID-19. Hy vọng, sự hỗ trợ này sẽ giúp các gia đình vơi bớt một phần khó khăn, có thêm tinh thần vượt qua những tháng ngày gian nan nhất.

Căn cứ vào Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đang đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho trẻ em được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng 900.000 đồng/tháng đối với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ 4 tuổi trở lên.

Các em cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường cho đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Những việc làm thiết thực của các cấp, ngành sẽ phần nào bù đắp, là điểm tựa vững chắc để các em vững vàng vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành những người có ích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục