Điện Biên có thêm 2 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Điện Biên có 2 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia là: Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của cộng đồng dân tộc Cống và Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của cộng đồng người Hà Nhì.
Chuẩn bị lễ vật để cúng trong lễ Gạ Ma Thú của đồng bào dân tộc Hà Nhì. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch vừa có Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đợt 26.

Trong 17 Di sản Văn hóa Phi vật thể được đưa vào Danh mụcDi sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đợt này, tỉnh Điện Biên có 2 di sản gồm: Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của cộng đồng dân tộc Cống (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) và Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của cộng đồng dân tộc người Hà Nhì (ở các xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn của huyện Mường Nhé).

Tết Hoa mào gà - Tôn vinh nét đẹp truyền thống

Cộng đồng dân tộc Cống là 1 trong 5 cộng đồng dân tộc thiểu số ít người của tỉnh Điện Biên, cư trú tại các bản Púng Bon, Huổi Moi (thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên), bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) và bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) với hơn 200 hộ dân, dân số hơn 1.000 người.

Tết Hoa mào gà (theo tiếng của người dân tộc Cống là Mền Loóng Phạt Ái), được tổ chức vào tháng 9 âm lịch hằng năm (trùng vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch).

Người Cống ở giáp biên giới Việt-Lào nên theo lịch của người Lào, một năm chỉ có 10 tháng. Đây là thời điểm khi vụ mùa đã thu hoạch xong, công việc nương rẫy trong năm kết thúc.

Hoa Mào gà là lễ vật không thể thiếu trong lễ Mền Loóng Phạt Ái của đồng bào dân tộc Cống. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Tết Hoa là dịp để đồng bào chuẩn bị đón mừng Năm mới, cùng hướng về cội nguồn tổ tiên, cùng tôn vinh bản sắc, nét đẹp truyền thống trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc mình.

Theo phong tục, trước Tết Hoa chừng hơn một tháng, người Cống sẽ chọn ra những cặp sản vật ngon nhất, quý nhất của mùa vụ trong năm như bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, gà, rượu để dâng lên thần linh và tổ tiên.

Sau khi đã hoàn tất khâu chuẩn bị lễ vật, trai tráng trong bản bắt đầu rèn luyện sức khỏe để tham gia thi đấu trong lễ hội; phụ nữ Cống chọn trang phục cho các thành viên trong gia đình mặc vào ngày Tết.

Trước ngày Tết Hoa, già làng phát lệnh cấm bản (người trong và ngoài bản không được tự do ra vào).

Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết Hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát.

Trước đây, Tết Hoa diễn ra từ 3 đến 4 ngày, nay rút ngắn lại chỉ còn 1 ngày, 1 đêm. Tết Hoa gồm có hai phần: Lễ và hội. Phần lễ được tổ chức tại nhà của thầy cúng hoặc trưởng dòng họ.

Ngay từ sáng sớm, chủ lễ mỗi gia đình sẽ lên nương hái hoa về trang trí trong nhà. Điều đặc biệt là trong vô số loài hoa được hái về không thể thiếu hoa mào gà.

Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm-dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng. Màu hoa mào gà đỏ thắm, tạo nên không khí ấm áp khắp không gian lễ hội, bản làng...

Sau khi trang trí, chủ lễ tiếp tục mang lễ vật và hoa mào gà đến nhà thầy cúng.

Tại nhà thầy cúng, hoa mào gà được buộc vào một cây tre còn nguyên cành dựng giữa nhà chủ tế. Sản vật cũng được dâng lên đầy đủ theo cặp, theo đôi. Khi lễ vật đã dâng lên đầy đủ, đến giờ tốt, thầy cúng đánh hồi chiêng báo hiệu lễ cúng Tết Hoa bắt đầu. Thầy cúng thắp nhang và gọi thần thổ địa, tổ tiên, mẹ lúa về chứng kiến, thay mặt cho dân bản báo cáo tình hình mùa màng trong năm và cầu xin năm tới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, an lành…

Làm lễ khấn xong, thầy cúng nâng chén rượu đầu tiên chúc mọi người sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt.

Sau nghi thức tế lễ tại nhà già làng, những hoạt động như: đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát mới được bắt đầu.

Khi các nghi lễ của Tết Hoa kết thúc, thầy cúng lần lượt đi cúng cho từng nhà, thay lời gia chủ kính cẩn trước bàn thờ báo cáo và khấn cầu cho gia đình.

Các lễ vật trong lễ Mền Loóng Phạt Ái của đồng bào dân tộc Cống. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Đêm đến, khi vầng trăng đã chênh chếch đầu bản, tất cả dân làng tập trung ở bãi đất rộng cùng nhau hòa nhịp trong tiếng trống, tiếng chiêng.

Trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, cả bản cùng hân hoan trong điệu xòe, cùng hát những làn điệu dân ca truyền trống rồi nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh, với mong ước bản làng bước sang một năm mới vạn vật sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này.

Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời, nhịp trống, chiêng, điệu xòe hoa rộn ràng như chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng đến gần hơn.

Sau một đêm nhảy múa tưng bừng, đến sáng sớm hôm sau, các chàng trai người Cống khỏe mạnh tập trung so tài ở các môn thể thao truyền thống của dân tộc Cống như đánh cù, đẩy gậy, kéo co...

Lễ Cúng bản - cầu mong no đủ, hạnh phúc

Là một trong 19 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, người Hà Nhì (còn có tên gọi khác như U Ní, Xá U Ní) sinh sống tại bốn xã vùng giáp biên của huyện Mường Nhé là Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn, thuộc hai nhóm Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ.

Các thầy cúng chuẩn bị mâm lễ vật để cúng trong lễ Gạ Ma Thú của đồng bào dân tộc Hà Nhì. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/ TTXVN)

Trong lễ tục vòng đời, người Hà Nhì có khá nhiều lễ hội được bảo tồn, lưu giữ, mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo như Lễ Gạ Ma Thú, lễ cầu mưa, lễ cúng rừng...

Trong đó quan trọng nhất, tưng bừng, hoạt náo và mang tính cộng đồng nhất là Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản - còn có nghĩa là “cấm bản”).

Lễ hội có đặc điểm nổi bật là sự gắn bó giữa con người với môi trường xung quanh, đó là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, là dịp để con người giải tỏa, giãi bày phiền muộn lo âu với thần linh, mong được giúp đỡ che chở vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Lễ cúng bản Gạ Ma Thú được tổ chức vào những ngày con hổ (Khà là), con trâu (Nhù no), con dê (Gió no) của tháng 2 âm lịch hàng năm.

Trước ngày lễ, mọi người dân trong bản phải họp bàn, phân công chuẩn bị đồ lễ cúng, chọn thầy cúng.

Nghi lễ phải có đủ 6 mâm cúng gồm: Mâm cúng đầu bản là mâm cúng chính, lễ vật to hơn các mâm khác, do thầy cúng chính làm chủ lễ; vị trí đặt mâm cúng phải ở nơi linh thiêng, cố định không thay đổi trên một quả đồi nằm ở phía Đông Bắc của bản.

Vị trí này chỉ khi nào dân bản tổ chức cúng thì người dân mới được phép vào phát cỏ và dọn dẹp sạch sẽ để làm lễ với mong muốn cầu cho cả bản được tốt lành, đủ hoa màu, người dân không bị ốm đau, gia súc gia cầm sinh sôi, phát triển.

Mâm cúng cổng bản nhằm ngăn chặn xua đuổi tà ma, các thế lực xấu xa đen tối không vào được bản, đồng thời cầu mong hạnh phúc, niềm vui và sự no đủ cho dân bản.

Trong lễ cúng cổng bản, khi cổng bản được dựng lên, lễ cúng bắt đầu thì mọi người trong bản không được phép ra ngoài, người ngoài bản cũng không được tự ý vào bản.

Mâm cúng thần Núi (phía Tây) nhằm gửi gắm vào thế lực siêu nhiên niềm tin và những ước nguyện của mình, cầu sức khỏe cho dân bản, cầu cho cây lúa, cây ngô tốt tươi.

Mâm cúng thần Lửa (phía Nam) với ý nghĩa diệt lửa để cầu mong không gây hỏa hoạn cháy rừng, cháy nhà, cháy vật nuôi gia súc chăn thả trên rừng; lửa sẽ sưởi ấm cho con người, cây trồng và vật nuôi khi đêm đông giá buốt; giúp cho linh hồn của những người chẳng may bị hỏa hoạn mà chết sẽ được siêu thoát.

Mâm cúng thần Đất (phía Bắc) diễn ra dưới gốc một cây Si cổ thụ, mang ý nghĩa mong thần Đất phù hộ cho dân bản sống khỏe mạnh, không để thú dữ phá hoại mùa màng, nhiễu hại dân bản, bảo vệ ruộng nương.

Mâm cúng thần Rừng (phía Đông) để cầu mong thần Rừng giữ rừng cho dân, cho gỗ dựng nhà, củi đốt và đất để làm nương, rẫy.

Chuẩn bị lễ vật để cúng trong lễ Gạ Ma Thú của đồng bào dân tộc Hà Nhì. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Trong những ngày diễn ra Lễ Gạ Ma Thú, những hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian như đu quay, ném còn, đánh cù, múa dân ca dân vũ… cũng diễn ra, thu hút đông đảo người dân tham dự.

Sang ngày thứ ba, khi còn tinh mơ, cả bản đã thơm lừng mùi cơm nếp, bánh ngô để làm quà cho khách phương xa đến chơi bản.

Nâng cao trách nhiệm bảo tồn nét đẹp văn hóa

Theo ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, với việc Lễ hội Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của cộng đồng dân tộc Cống và Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của cộng đồng dân tộc người Hà Nhì được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, đến nay tỉnh Điện Biên đã có tổng cộng 8 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Sáu di sản được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia trước đó gồm: Xòe Thái; Lễ hội Đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ) tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Tết Nào Pê Chầu tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Tết Té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà.

Điện Biên có 19 cộng đồng dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có một kho tàng văn hóa, tín ngưỡng, tập quán đậm sắc thái bản địa đã tạo nên sự đa dạng, đa sắc của văn hóa địa phương.

Những năm qua, công tác gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo các nghi thức, lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên nỗ lực thực hiện và đã có những kết quả tốt.

Các di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên; đồng thời khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, quảng bá, tuyên truyền nét đẹp văn hóa độc đáo của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục