Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km về phía Tây, huyện Mường Ảng được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là càphê.
Chất lượng của càphê Mường Ảng được các chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu càphê Mường Ảng đã và đang được các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và đồng bào Mường Ảng nỗ lực thực hiện.
Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hà Văn Quân cho biết Mường Ảng có diện tích tự nhiên hơn 44.320ha, từ khi huyện thành lập và đi vào hoạt động (tháng 4/2007) diện tích càphê toàn huyện chỉ có 348ha, trong đó chủ yếu càphê do Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên quản lý, giao khoán cho công nhân trên địa bàn, trồng mới hàng năm từ 20-40ha.
Diện tích càphê tăng nhanh từ năm 2008 trở lại đây, hàng năm trồng mới đạt 250ha đến 500ha, càphê được trồng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở thị trấn Mường Ảng, xã Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa.
Hiện toàn huyện đã phát triển được trên 3.300ha càphê của Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên, Công ty cổ phần càphê Thái Hòa cùng người dân trên địa bàn huyện quản lý.
Song việc phát triển cây càphê vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sản xuất tự phát, một số diện tích càphê không trồng theo quy hoạch, đặc biệt một số hộ gia đình tự phá rừng đề trồng càphê. Một số vườn càphê chất lượng còn thấp; phần lớn diện tích cây càphê chưa trồng cây che bóng, chưa có hệ thống tưới ẩm.
Phát triển cây càphê thời gian qua mới chỉ quan tâm đến vùng nguyên liệu, chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chọn lựa giống, trồng, chăm sóc vườn cây, thu hoạch, chế biến, bảo quản, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chưa được người trồng càphê quan tâm đúng mức. Chất lượng càphê còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
“Việc thu hái chưa đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Các cơ sở chế biến càphê hiện nay trên địa bàn đều có quy mô nhỏ theo công nghệ chế biến ướt và không xử lý chất thải đúng quy trình, nhiều cơ sở chế biến chưa đầu tư máy sấy mà phơi trên nền sân bêtông,” ông Quân băn khoăn nói.
Ngoài ra, công tác quản lý có mặt buông lỏng, công tác thông tin, giới thiệu, quảng bá sản phẩm chưa hiệu quả, chưa sâu rộng; liên doanh, liên kết, quản lý thị trường chưa đáp ứng yêu cầu nên việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, tư thương ép giá, lượng hàng tồn còn lớn.
Với mục tiêu là tạo ra sản phẩm càphê có chất lượng sạch, thân thiện với môi trường, có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định, ông Hà Văn Quân khẳng định đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là một trong những giải pháp quan trọng nhất nên huyện lựa chọn một số giống càphê chè Arabica có ưu thế, phù hợp như TN1, TN2 và giống Catimor; trong đó các giống lai TN1 và TN2 được lai tạo giữa giống càphê chè Catimor với loại càphê chè có nguồn gốc hoang dại từ Etiopia (Bắc Phi) do Viện Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện cho thấy loại cây này sinh trưởng khỏe, phân nhiều cành, đạt năng suất từ 4-5 tấn càphê nhân/ha, kích cỡ hạt có trọng lượng 100 nhân/15-17g, không bị bệnh rỉ sắt...
Phát triển trung tâm giống và dịch vụ kỹ thuật cao tại Trạm khuyến nông, khuyến ngư của huyện để cung cấp đầy đủ giống tốt và dịch vụ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cho sản xuất càphê. Từ năm 2014 sẽ sử dụng các loại giống mới, lai tạo để trồng đại trà.
Ngoài ra, huyện tăng cường công tác tuyên truyền về tiêu chuẩn chất lượng và lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng như TCVN 4193:2005, UTZ, 4C, VietGap... tạo ra sản phẩm càphê sạch, để người dân hiểu và thực hiện nghiêm túc, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm.
Nghiên cứu lai tạo, chọn lọc những giống càphê có sức kháng bệnh, có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà; xem xét, nghiên cứu đưa các loại càphê giống tốt từ nước ngoài về trồng thử nghiệm; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy trình sản xuất càphê sạch, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất càphê.
Mường Ảng còn đẩy mạnh công tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác càphê sạch; thực hiện cải tạo vườn cây hiện có thành vườn càphê sạch; vận động người làm càphê chỉ thu hái quả chín từ 95% trở lên, không hái quả xanh đề đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến càphê theo công nghệ tiên tiến, với công suất vừa phải, phù hợp với sản lượng càphê tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện, đồng thời kết hợp sản xuất phân vi sinh từ phụ phẩm càphê. Các nhà máy chế biến, cơ sở chế biến càphê phải bố trí hệ thống thu gom chất thải, xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015 huyện sẽ tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể “càphê Mường Ảng,” góp phần nâng cao vị thế và sức mạnh của sản phẩm trên thị trường và sức cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng giá trị, uy tín của sản phẩm; quảng bá và giới thiệu càphê Mường Ảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ và một số ấn phẩm, tạp chí; nâng cao số người hiểu biết nhận thức về sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu tập thể, khả năng tự bảo vệ quyền của người sản xuất, người sử dụng đối với sản phẩm.
Mường Ảng phấn đấu đến năm 2020 có diện tích càphê khoảng 4.200ha, sản lượng bình quân 13.500 tấn càphê trấu/năm; 75% diện tích càphê được trồng cây che bóng, trong đó 35% diện tích được trồng các loại cây che bóng có giá trị kinh tế cao; mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh càphê cho khoảng 1.000 nông dân/năm; triển khai áp dụng TCVN 4193:2005 cho 100% sản lượng càphê; tiếp tục phổ biến bộ nguyên tắc chung 4C, bộ tiêu chuẩn UTZ cho người trồng càphê; khoảng 70% sản lượng càphê bán ra được giao dịch thông qua Hội càphê Mường Ảng; xây dựng vườn càphê theo hướng vườn càphê sạch khoảng 75% diện tích./.