Diễn đàn doanh nghiệp và hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam-Pháp

Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp và Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 đã được tổ chức tại Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước
Diễn đàn doanh nghiệp và hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam-Pháp ảnh 1Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 tiếp tục diễn ra với phiên Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp do ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và ông Nicolas Warnery, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam chủ trì.

Diễn đàn đã thu hút hơn 500 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp của Việt Nam và Pháp.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định diễn đàn là cơ hội để kết nối chính quyền các thành phố và nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Pháp.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các tỉnh, thành phố của Việt Nam và Pháp giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh và định hướng chính sách thu hút đầu tư.

Đây là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu và tham luận nội dung thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cùng thảo luận và đề xuất mong muốn kết nối, hỗ trợ thông tin hợp tác nhằm mở rộng đầu tư.

Diễn đàn còn tạo cơ hội cho các bên trao đổi ý tưởng, sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác, đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy;" củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các giao lưu, hợp tác giữa các đối tác mới của các địa phương Việt Nam và Pháp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, trong quý 1/2023, Hà Nội đạt tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,8% (gấp 1,7 lần cả nước). Các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đều tăng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 128.000 tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Chi ngân sách địa phương trên 16 nghìn tỷ đồng, đạt 15% dự toán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát… Có 7.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 73.000 tỷ đồng.

[Thư mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp]

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6%, cao hơn cùng kỳ (9,1%). Khách du lịch đến Hà Nội (có lưu trú) đạt hơn 1 triệu lượt, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 712.000 lượt, tăng 15 lần so với cùng kỳ.

Riêng về hợp tác đầu tư của Pháp, lũy kế từ năm 1989 tới nay, thành phố Hà Nội đã thu hút khoảng 494,4 triệu USD vốn FDI từ Pháp. Trong số đó, năm 2022 thu hút khoảng 7,8 triệu USD vốn FDI và trong 3 tháng đầu năm 2023 thu hút thêm 0,92 triệu USD.

Diễn đàn doanh nghiệp và hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam-Pháp ảnh 2Doanh nghiệp của Pháp dự diễn đàn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Một số dự án lớn của Pháp tại Hà Nội như Dự án Cửa hàng Bán lẻ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Louis Vuitton Việt Nam; Dự án Schneider Electric IT Việt Nam; Dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn L’OREAL VIỆT NAM; Trung tâm Mega Market; Dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Christian Dior Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nicolas Warnery, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam. Năm nay cũng kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, điều này thể hiện mong muốn chung là duy trì mối quan hệ sâu sắc ở tất cả các cấp.

Diễn đàn doanh nghiệp và hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam-Pháp ảnh 3Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery phát biểu về tình hình hợp tác và cơ hội hợp tác phát triển Pháp-Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong ba ngày qua, các phiên thảo luận tại hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp và dự án trong tương lai về vấn đề thành phố thông minh, phát triển đô thị và nông thôn bền vững hoặc di sản và du lịch.

Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, người Hà Nội được mời tham gia một chuyến "đi bộ ở Pháp" để khám phá di sản nông nghiệp và ẩm thực của Pháp nhờ khoảng 40 gian hàng nơi bạn có thể nếm thử rượu vang, pho mát, trái cây hoặc thịt chất lượng.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam, Đại sứ quán Pháp cam kết tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực.

Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 với phiên kết nối do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết hợp tác giữa các địa phương (còn gọi là hợp tác phi tập trung) Việt Nam-Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France.

Diễn đàn doanh nghiệp và hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam-Pháp ảnh 4Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền điều hành phiên thảo luận. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, tại thành phố Lille (Pháp). Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này liên tục được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác giữa các cấp địa phương của hai nước.

Diễn đàn là cơ hội để kết nối chính quyền các thành phố và nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Pháp. Tại phiên Kết nối diễn ra các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa chính quyền với chính quyền (G2G), chính quyền với doanh nghiệp (G2B), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên kết nối với Hiệp hội quốc tế các vùng nói tiếng Pháp (AIRF) và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp ABVietfrance về phát triển kinh tế của các vùng lãnh thổ nói tiếng Pháp thông qua việc thiết lập, thúc đẩy quan hệ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực giữa chính quyền, doanh nghiệp, đối tác của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trải qua thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19, nhờ chính sách đúng đắn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong thời gian tới, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam-Pháp sẽ là rất lớn.

"Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi các vấn đề, tăng cường hợp tác địa phương, thích ứng với cuộc khủng hoảng kinh tế; góp phần thúc đẩy hợp tác đa dạng trên các lĩnh vực chính như văn hóa, kinh tế, du lịch… là cầu nối giữa doanh nghiệp địa phương với đại diện doanh nghiệp của Pháp," Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Việt Nam và Pháp cũng có những tiền đề quan trọng để mở rộng hợp tác đầu tư. Trong khi Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Pháp là thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu. Hai nước đều là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như tham gia Hiệp định FTA Việt Nam-EU (EVFTA).

Diễn đàn cũng là cơ hội để tăng cường quảng bá, giới thiệu truyền thống văn hóa, tiềm năng và những thành tựu kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội và các địa phương Việt Nam; quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hội nhập quốc tế.

Diễn đàn góp phần tuyên truyền, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP; xác định đây là nguồn lực rất quan trọng bên cạnh nguồn lực đầu tư ngân sách nhà nước để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2021-2025 của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.