Ngày 5/9, tại Diễn đàn du lịch cấp cao chuyển đổi xanh, với chủ đề “Du lịch Net Zero - Kiến tạo tương lai” do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng một số đối tác trong và ngoài nước tổ chức, các chuyên gia, diễn giả đã tập trung bàn giải pháp thực hiện Net Zero trong ngành Du lịch.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Du lịch là ngành kinh tế quan trọng cần có đóng góp tương xứng vào lộ trình phát triển ít phát thải của Việt Nam cũng như phải chủ động xác định dấu chân cacbon trong ngành Du lịch để có chính sách, biện pháp phù hợp giảm phát thải khí nhà kính.
Ngành Du lịch cần nghiên cứu, xây dựng giải pháp tăng cường phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch bền vững, tối ưu hóa du lịch trong nước, quốc tế để giảm phát thải khí nhà kính.
Còn đơn vị hoạt động trong ngành Du lịch chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo tại văn phòng, đi lại, cắm trại, di chuyển; đào tạo nhân viên, khuyến khích khách hàng quan tâm đến vấn đề môi trường; áp dụng biện pháp giảm phát thải như tiết kiệm điện, nước nóng, giảm tiêu dùng, tái chế, tái sử dụng.
Liên quan đến phát triển bền vững, đại diện Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia cho rằng thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng môi trường chưa từng có nên kêu gọi hành động ngay lập tức và kiên quyết ở tất cả quốc gia là điều vô cùng cấp thiết.
Với tầm quan trọng của du lịch cho nền kinh tế và bảo tồn văn hóa thì đảm bảo mục tiêu Net Zero toàn cầu là vấn đề không chỉ của quốc gia mà còn là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại Campuchia, Chính phủ đã thực hiện bước quan trọng để thúc đẩy du lịch bền vững, nhấn mạnh vào việc giảm dấu chân môi trường của ngành.
Một số nỗ lực và sáng kiến của Bộ Du lịch Campuchia có thể kể đến như tích cực thúc đẩy du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại các khu vực như khu vực miền núi, sông Mekong; năng lượng tái tạo trong du lịch ngày càng chú trọng trong hỗ trợ sự phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bền vững.
Theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham gia diễn đàn, phát triển du lịch đòi hỏi sự liên ngành và hợp tác đa tầng để có thể tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác đối thoại, phát triển, xây dựng một khuôn khổ tập trung vào phát triển công-tư ở các cấp bao gồm quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Cụ thể, báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn ICED cho thấy, thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có chương trình hành động đồng bộ, đồng thời có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi nhằm hạn chế những “cú sốc” về kinh tế-xã hội.
Lộ trình chuyển đổi nền có thể cần 10-20 năm để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai đối thoại, thử nghiệm và điều chỉnh chính sách đảm bảo nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi những chủ thể liên quan.
Đặc biệt thời gian tới, ngành Du lịch cần có sự đóng góp, tham gia của sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, đối tác quốc tế trong việc xây dựng chi tiết giải pháp cho các kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và lộ trình thực hiện.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Trong số đó, Thành phố thực hiện 8 giải pháp chiến lược, như nhóm chính sách đối với sản phẩm đặc trưng; nhóm chính sách tạo đột phá trong liên kết vùng; nhóm chính sách vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15; nhóm chính sách ưu đãi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; kéo dài thời gian hoạt động và trải nghiệm các dịch vụ tại khu vực thí điểm kinh tế đêm; chính sách miễn thuế giá trị gia tăng và hỗ trợ về thị thực (visa) đối với tổ chức quốc tế và hỗ trợ đơn vị trong nước tham gia sự kiện.
Để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố không ngủ, sôi động và tràn ngập hứng khởi, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành tổng hợp và công bố danh mục các chương trình, sự kiện, lễ hội bảo đảm mỗi tháng một sự kiện, chương trình tạo động lực để phát triển kinh tế ban đêm, góp phần thúc đẩy và đa dạng hóa trải nghiệm và tăng thêm giá trị cho khách hàng./.
Quảng Ninh: Huyện đảo Cô Tô hướng tới khu du lịch xanh, sạch, đẹp
Nhờ nhiều biện pháp tăng cường xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loài động vật quý như rùa biển, cá heo xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng.