Tiếp tục chương trình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tổ chức ngày 5/12, trong phiên tọa đàm cấp cao, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước về một số gợi ý đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Khuyến khích đầu tư tiêu dùng nội địa
Trong bối cảnh hiện nay, để phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta cần phải coi đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm, chuyển đổi số là yếu tố thời đại.
Trong các động lực tăng trưởng kể trên, đầu tư của Nhà nước vẫn phải đóng vai trò dẫn dắt cũng như tính tiên phòng để thúc đẩy nền kinh tế cả về cung và cầu; trong đó, tập trung đầu tư kết nối hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ để thúc đẩy đầu tư nước ngoài và phát triển đầu tư tư nhân.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt cao dù nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, do kết quả tăng đầu tư nước ngoài thời gian qua đã neo giữ kỳ vọng của nhà đầu tư trong nước đối với khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng để tiếp tục đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh tăng xuất khẩu, khuyến khích tiêu dùng nội địa để tạo ra động lực nội tại cũng là cần thiết, song cần phải xem xét mức độ đầu tư, bởi nếu đầu tư quá mức làm giảm tiết kiệm, qua đó làm giảm đầu tư trong nước hoặc phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Đối với khai thác đầu tư trong nước cần chú trọng vào sản xuất hàng tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu hiện nay.
Như vậy, xuất khẩu và tăng thu hút đầu tư trong nước hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu đang gặp khó khăn, trở ngại do chi phí logistics tăng cao. Theo tôi, để khơi thông hai động lực này cần có gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng nôi địa, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp bằng hỗ trợ chi phí phòng, chữa bệnh, trợ cấp cho công nhân và gia đình, cũng như nghĩa vụ thực hiện thuế.
Bà Carolyn (Carrie) Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Giảm cứng nhắc trong phân bổ ngân sách
Để tái thiết nền kinh tế, Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ, đặc biệt là giảm sự cứng nhắc trong hệ thống phân bổ ngân sách; theo đó, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu, đồng thời cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện danh mục đầu tư có rất nhiều dự án nhưng chưa có thiết kế chi tiết, chưa có nghiên cứu khả thi để triển khai. Tôi cho rằng, quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng một danh mục đầu tư tốt với tính hiệu quả cao là yếu tố then chốt để quá trình đầu tư vào các hoạt động phục hồi kinh tế diễn ra nhanh chóng, đóng góp vai trò quan trọng vào trong phục hồi cũng tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
[Trưởng đại diện IMF: Kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi]
Để làm được điều này, không chỉ về phía doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất mà còn phải tính tới hiệu quả hoạt động của Chính phủ; trong đó, cân nhắc sử dụng dụng các cơ chế số để đạt được hiệu quả cao.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực như quá trình số hóa vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự đạt được mục tiêu hợp lý và hiệu quả nhất. Theo đó, Chính phủ cần tính tới việc đầu tư cho các doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp nhanh chóng ứng dụng được công nghệ số vào sản xuất kinh doanh. Bởi, khu vực tư nhân sẽ chính là động lực cho quá trình phục hồi và phát triển của Việt Nam.
Cuối cùng, theo tôi, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ tiêu dùng cá nhân, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, người dân. Các gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình so với khu vực hiện còn thấp, trong khi đó vẫn còn dư địa tài khoá đễ hỗ trợ gói này.
Ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: Lấy kinh tế số làm mồi cho tăng trưởng
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, phát triển kinh tế số là một trong những mục tiêu giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững. Việc tái cấu trúc mô hình phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi số phù hợp theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Theo thống kê, bình quân nguồn lực cho chuyển đổi số của các nước khoảng 15%, tuy nhiên ở Việt Nam con số này mới khiêm tốn khoảng 10%. Như vậy, dư địa cho việc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia còn rất lớn.
Việc chuyển đổi, phát triển kinh tế số có thể hiểu là việc tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh, hình thành ngành nghề mới trong doanh nghiệp, từ đó tạo đột phá để cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế, làm mồi cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.
Tuy nhiên, để tạo đột phá thông kinh tế số không phải chỉ là câu chuyện công nghệ, thông tin và truyền thông, mà phải gắn với thay đổi thể chế, chính sách, quy định phù hợp trong bối cảnh mới. Từ đó, tạo sức ép vừa đủ để doanh nghiệp phát triển, có căn cứ để thúc đẩy hiệu quả của ngành nghề mới.
Ngoài ra, chuyển đổi số làm thị trường hoạt động hiệu quả hơn, tác động mạnh mẽ đến liên kết và kết nối các chủ thể dọc theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng. Cụ thể, chuyển đổi số cũng góp phần thu hẹp thời gian phân phối từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng nhờ luồng thông tin trên thị trường được trao đổi nhanh hơn, kịp thời hơn./.