Diễn đàn kinh tế Việt-Nga: Hợp tác trong điều kiện tự do thương mại

Chương trình xúc tiến thương mại Việt Nam-Nga lần này là chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại, với sự tham gia của khoảng gần 100 đại diện doanh nghiệp Nga trong các lĩnh vực chủ chốt.
Diễn đàn kinh tế Việt-Nga: Hợp tác trong điều kiện tự do thương mại ảnh 1 Ông Anatoly Pavlovich Nikolaev, Phó Chủ tịch Ban Tổ chức EXPO-Nga Việt Nam 2017 phát biểu. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Sáng 13/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban tổ chức sự kiện Triển lãm công nghiệp quốc tế lần thứ II EXPO Nga-Việt 2017 tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt-Nga với chủ đề "Hợp tác kinh tế trong các điều kiện tự do thương mại."

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết chương trình xúc tiến thương mại Việt Nam-Nga lần này là chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại, với sự tham gia của khoảng gần 100 đại diện doanh nghiệp Nga trong các lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, năng lượng, giao thông, cơ sở hạ tầng, xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, Liên bang Nga đã và đang trở thành một thị trường nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương giữa Liên bang Nga và Việt Nam ngày càng có nhiều dấu hiệu tích cực.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều Việt Nam-Liên bang Nga trong sáu tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng trưởng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, xuất khẩu sang Nga đạt trên 1 tỷ USD (tăng hơn 34%), nhập khẩu từ Nga trị giá khoảng 664 triệu USD (tăng gần 16%).

Cũng tính đến hết tháng 7/2017, Liên bang Nga có 115 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn trên 1 tỷ USD. Việt Nam có 18 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn 2,4 tỷ USD chủ yếu là trong ngành năng lượng và khai khoáng. Theo một số chuyên gia, việc triển khai các dự án đầu tư mới trong những năm tới có thể giúp tổng FDI của Nga vào Việt Nam tăng gấp 3 lần so với hiện nay (tức là có thể đạt tới 6-7 tỷ USD).

[Việt Nam là đối tác truyền thống của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương]

Về hợp tác phát triển, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện. Cơ hội hợp tác đang được mở ra khi hai nước tiến hành chính sách đổi mới nền kinh tế. Đặc biệt, tháng 10/2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) bắt đầu có hiệu lực, điều này góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương phát triển lên tầm cao mới. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng của các dự án hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, khoa học-kỹ thuật và công nghệ cũng có xu hướng tăng.

Ông Vartanov David Robertovich, Trưởng Ban tổ chức EXPO Nga-Việt 2017 cho hay ngoài Diễn đàn kinh tế Việt Nga, chương trình còn tổ chức các hội thảo chuyên đề tập trung vào nhiều lĩnh vực thiết thực đối với doanh nghiệp hai bên như đánh giá quan hệ hợp tác kinh tế giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định Thương mại tự do; giới thiệu và quảng bá các sản phẩm và dịch vụ y tế Nga vào thị trường Việt Nam, công nghệ sinh học, xây dựng tuyến vận chuyển container đường sắt mới trên tuyến Nga-Việt Nam...

Triển lãm công nghiệp Nga-Việt 2017 lần này cũng có khá nhiều những điều mới mẻ. Số lượng doanh nghiệp Nga tham dự tăng gấp đôi so với năm 2015. Đồng thời, Công ty Cổ phần Zarubezh-Expo, công ty tổ chức sự kiện đã phát triển nền tảng "EXPO-RUSSIA VIETNAM 2017 - xu hướng và công nghệ mới trong ngành công nghiệp triển lãm."

Ông Phòng cũng bày tỏ hy vọng Chương trình xúc tiến thương mại Việt Nam-Nga 2017 cùng với hàng loạt các sự kiện, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành hai nước, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với quan hệ đối tác chiến lược và đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.