Diễn đàn Mekong kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia

Đến tháng 5/2016, các doanh nghiệp Việt Nam có 183 dự án và 2,85 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, nằm trong danh sách 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia.
Diễn đàn Mekong kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia ảnh 1Viettel Cambodia (Metfone), Công ty thành viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel). (Nguồn: panoramio.com)

Ngày 9/12, Diễn đàn Mekong thường niên lần thứ VII và Lễ trao giải Doanh nghiệp mạnh Đông Nam Á, Thương hiệu danh tiếng Đông Nam Á và Nhà lãnh đạo Tài-Đức đã được Hội Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia của Việt Nam (VILACAED) và Hội Hợp tác phát triển kinh tế Campuchia-Việt Nam-Lào của Campuchia (CAVILAED) phối hợp tổ chức tại thủ đô Phnom Penh.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia.

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Chính phủ Campuchia, Chính phủ Việt Nam đã đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Campuchia; nêu bật các chính sách mới của Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia trong việc thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, như duy trì chính sách mở cửa, không hạn chế giao dịch ngoại tệ, không kiểm soát vốn, không kiểm soát giá sản phẩm, miễn thuế 9 năm, miễn thuế nhập khẩu máy móc và sản phẩm đầu vào, dịch vụ một cửa.

Đại diện phía Việt Nam cũng nêu những nét chính về chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương của Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng đầu tư, sản xuất và kinh doanh tại Campuchia.

Sau chương trình Diễn đàn, đại diện Ban tổ chức và đại diện Chính phủ hai nước đã trao giải Doanh nghiệp mạnh Đông Nam Á, Thương hiệu danh tiếng Đông Nam Á và Nhà lãnh đạo Tài-Đức của Hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh hiệu quả, có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế Campuchia và góp phần củng cố, thúc đẩy và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia.

Chương trình đã góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam; tăng cường quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia; là cầu nối, góp phần tạo cơ hội, điều kiện để các doanh nghiệp hai nước trao đổi, chia sẻ, nắm bắt thông tin, tăng cường giao lưu, giao thương và phát triển hợp tác kinh tế trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); ghi nhận, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả tại Campuchia.

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, gắn bó bởi quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời. Quan hệ hữu nghị truyền thống, điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, sự quan tâm tạo điều kiện của chính phủ hai nước là những cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển.

Đến tháng 5/2016, các doanh nghiệp Việt Nam có 183 dự án và 2,85 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, nằm trong danh sách 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia.

Trong khi đó, Campuchia đứng vị trí thứ 2 trong tổng số hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia tăng mạnh.

Nhiều dự án có động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Campuchia trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông...

Ngoài ra, Việt Nam luôn dẫn đầu về số lượng du khách đến Campuchia trong những năm gần đây đồng thời Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu của du khách Campuchia khi du lịch nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.