Ngày 27/11, tại Hà Nội, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn Người khuyết tật khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2014 với chủ đề “Thúc đẩy hành động nhằm hiện thực hóa quyền của người khuyết tật”.
Dự Diễn đàn có hơn 500 đại biểu khuyết tật, trong đó có 300 đại biểu quốc tế của 42 nước và vùng lãnh thổ.
Diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội là sự kiện quan trọng, đánh giá cao uy tín, vị thế của Việt Nam, cũng như thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, nhân dân Việt Nam và các tổ chức quốc tế đối với người khuyết tật.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng mặc dù đã có những kết quả khả quan trong công tác trợ giúp, cải thiện cuộc sống mọi mặt của người khuyết tật, Việt Nam cũng như một số quốc gia khác trong khu vực đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc hiện thực hóa quyền của người khuyết tật.
Hiện Việt Nam đã, đang cam kết tham gia đầy đủ tích cực các chương trình quốc tế, khu vực như Thập kỷ người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương và Thập kỷ tiếp theo 2013-2022 trong khuôn khổ Chiến lược Incheon; đồng thời đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ có trách nhiệm được ghi trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật; đồng thời cam kết tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược Incheon và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật với mục tiêu giúp người khuyết tật ở Việt Nam có cuộc sống tốt hơn, có điều kiện thuận lợi để thực hiện các quyền do pháp luật quy định.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tin tưởng Diễn đàn sẽ có tiếng nói chung, đưa ra được những sáng kiến, giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm thúc đẩy những hoạt động trợ giúp người khuyết tật của khu vực và toàn thế giới theo định hướng của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Chiến lược Incheon một cách hữu hiệu nhất.
Ông Kyung - Seok Park, Chủ tịch Diễn đàn người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương nêu rõ hai năm nay, Diễn đàn người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương đã tham dự vào Đội Công tác trong việc áp dụng các phương pháp làm việc và thiết lập một lộ trình để thực hiện 10 mục tiêu, 27 tiêu chí đảm bảo hiện thực hóa quyền của người khuyết tật khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một trong những thế mạnh của Diễn đàn là không có sự phân biệt giữa các tổ chức của người khuyết tật và người không khuyết tật.
Người khuyết tật khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn bị hạn chế trong các khía cạnh như quyền công dân, vẫn chỉ là lời nói, dẫn đến sự tách biệt, phân biệt đối xử và cuối cùng bị bỏ rơi. Đây là trách nhiệm chung cho tất cả mọi người. Diễn đàn có thể đưa ra một viễn cảnh để thay đổi thực sự cho những người khuyết tật trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, ông Kyung - Seok Park chia sẻ.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có hơn 1 tỷ người khuyết tật đang sống cùng với một hoặc nhiều dạng khuyết tật khác nhau, chiếm 15% dân số toàn cầu.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 650 triệu người khuyết tật, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm 8,7%. Diễn đàn Người khuyết tật khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2014 với chủ đề thúc đẩy hành động nhằm “Hiện thực hóa quyền của người khuyết tật” nhằm đánh giá 2 năm thực hiện Chiến lược Incheon 2012-2014 ở các quốc gia, vùng lãnh thổ; thúc đẩy việc hiện thực hóa quyền của người khuyết tật ở các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương; nâng cao nhận thức toàn xã hội.
Đây cũng là cơ hội để các tổ chức, cá nhân người khuyết tật trong khu vực giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như xây dựng chính sách, an sinh xã hội, việc làm, dạy nghề, giáo dục hòa nhập, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin… tập trung vào 2 đối tượng chính là thanh niên và phụ nữ.
Với 2 phiên họp toàn thể: "Xóa đói giảm nghèo - Quyền của Người khuyết tật"; "Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật - Mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc" và các hội thảo, đối thoại chuyên đề, diễn đàn sẽ tập trung thảo luận về xóa đói, giảm nghèo liên quan đến dạy nghề, tạo việc làm dành cho người khuyết tật; sự tham gia của người khuyết tật vào tiến trình ra quyết định, quá trình vận động chính sách; an sinh xã hội, biến đổi khí hậu; thanh niên khuyết tật và quyền tự quyết của thanh niên.
Bên lề Diễn đàn kéo dài đến hết ngày 28/11, còn có các hoạt động như triển lãm giới thiệu hình ảnh hoạt động của các tổ chức vì người khuyết tật, trưng bày các sản phẩm do người khuyết tật làm ra; thăm quan du lịch nhằm quảng bá đất nước, con người Việt Nam; chương trình đi bộ hưởng ứng ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12; Gala chào mừng thành công Diễn đàn Người khuyết tật khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.