Diễn đàn Việt Nam-Ấn Độ thúc đẩy tầm nhìn mới cho nông nghiệp

Hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục tổ chức một loạt các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.
Diễn đàn Việt Nam-Ấn Độ thúc đẩy tầm nhìn mới cho nông nghiệp ảnh 1Trồng rau thủy canh trong nhà lưới ở thành phố Mỹ Tho. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục tổ chức một loạt các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

Chiều 26/10 tại thủ đô New Delhi, Liên đoàn Các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (FICCI) đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức diễn đàn kinh doanh với chủ đề "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp: Xây dựng và tăng cường quan hệ đối tác Việt Nam-Ấn Độ."

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Thanh Nam dẫn đầu đã tham dự diễn đàn, cùng với Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu và đông đảo các quan chức, doanh nghiệp và học giả, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng.

Thông qua diễn đàn, hai bên mong muốn tạo thêm cầu nối cho doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, trao đổi thông tin tiến tới ký kết các thỏa thuận liên doanh, liên kết đầu tư và tiêu thụ nông sản nhằm góp phần đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam và Ấn Độ đang có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.

[Ấn Độ-Việt Nam thúc đẩy thương mại 2 chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020]

Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại nông sản giữa hai nước luôn ở mức ổn định.

Năm ngoái, thương mại hàng nông lâm thủy sản hai chiều đạt gần 1,2 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Ấn Độ của Việt Nam đạt 800 triệu USD và xuất sang Ấn Độ gần 400 triệu USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng chính như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản và nhập khẩu từ Ấn Độ các mặt hàng như giống rau và hoa quả các loại, cây giống, bông, ngô hạt thương phẩm, dược liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ ra nhiều lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa được các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đầu tư.

Nguyên nhân là do khoảng cách địa lý, thiếu thông tin về môi trường, chính sách khuyến khích đầu tư cũng như chưa thấy được tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, Ấn Độ là quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, có thế mạnh về công nghệ chế biến và nông nghiệp công nghệ cao cũng như có nguồn vốn dồi dào.

Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông nhấn mạnh, triển vọng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn còn rất lớn do hai nước có nhiều thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Hai bên đã giải đáp các thắc mắc về môi trường chính sách, hàng lang pháp lý ở mỗi nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại song phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.