Những ngày này, khi đất trời Tây Bắc đang chuyển mình vào Xuân, niềm hạnh phúc của mỗi người dân nơi vùng biên cương cực Tây Tổ quốc - huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - như được nhân lên bội phần.
Sau gần 10 năm định cư, đến nay nguồn điện lưới quốc gia đã về tới bản làng, thắp sáng vùng biên, tạo một tiền đề vững chắc để người dân phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ngày một ấm no, khởi sắc.
Công trình cấp điện cho 15 điểm bản thuộc địa bàn các xã Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong và Pá Mỳ của huyện Mường Nhé hoàn thành, đóng điện đưa điện lưới quốc gia đi vào sử dụng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với người dân trong khu vực được thụ hưởng nói riêng, của huyện Mường Nhé nói chung.
[Hành trình đưa điện lưới Quốc gia "lên núi, xuống biển"]
Chiều muộn, chúng tôi ngược con dốc để đến các bản Hua Sin 1, Hua Sin 2 (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé). Nhiều người dân trong hai bản chia sẻ trước đây chưa có điện, khi ánh nắng cuối ngày vừa tắt trên dãy núi phía Tây thì đêm tối mau chóng phủ khắp bản làng, người dân trong bản cũng phải khép lại mọi hoạt động lao động sản xuất trong ngày.
Nhưng nay, nhờ nguồn sáng từ dòng điện lưới quốc gia, bản làng như sôi động hẳn lên. Ánh sáng điện như mang một sức sống mới cho bản làng qua tiếng tivi mở to; nhà nhà thắp điện sáng tỏ; các bà, các mẹ đang ngồi bên hiên nhà may vá, thêu thùa dưới ánh điện...
Chị Lầu Thị Chá (bản Hua Sin 1, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) vui mừng chia sẻ: "Có nguồn điện, chiều về làm việc gì cũng thuận lợi, dễ dàng, không sợ tối nữa. Có điện, con cái học bài thuận lợi, chăm chỉ hơn. Ban đêm, nhờ ánh điện sáng, mình có thể may thêm được nhiều quần áo hơn cho mọi người trong gia đình mặc đi chơi xuân, đi hội trong Tết này."
Anh Hạng A Tà, bản Hua Sin 1, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, phấn khởi cho biết trước đây, khi chưa có điện, người dân trong bản phải thắp đèn dầu, thắp nến hoặc đốt củi lửa trong nhà để có nguồn sáng. Gia đình nào có điều kiện hơn thì mua máy phát điện đặt dưới khe suối, tận dụng dòng chảy của nước suối để có điện sử dụng. Nhưng nguồn điện chạy bằng sức nước rất yếu, lại chập chờn. Vào mùa khô nóng, nguồn nước suối cạn dòng thì không chạy được máy phát điện nữa. Từ nay có điện lưới quốc gia để sử dụng, người dân rất vui mừng, phấn khởi.
Ông Hạng A Sùng, Trưởng bản Hua Sin 1, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cho biết triển khai công trình cấp điện cho 15 điểm bản thuộc địa bàn các xã Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong và Pá Mỳ của huyện Mường Nhé, mỗi người dân trong vùng thụ hưởng được Nhà nước hỗ trợ kéo dây điện về đến tận gia đình, lắp bảng điện và một bóng điện thắp sáng.
Bản Hua Sin 1 có gần 50 hộ, đều là cộng đồng dân tộc Mông, cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn. Trước đây, khi chưa có điện, người dân hạn chế về thông tin do không sử dụng các thiết bị nghe, nhìn. Nay có điện rồi, người dân yên tâm mua sắm các thiết bị như tivi, quạt điện, máy móc phục vụ sản xuất... để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Trần Đức Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Điện Biên cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 79 sắp xếp ổn dịnh dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé, Công ty điện lực Điện Biên đã lập phương án và báo cáo Tổng Công ty Điện lực Miền bắc (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) triển khai công trình cấp điện cho 15 điểm bản trên địa bàn các xã Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong và Pá Mỳ (huyện Mường Nhé).
Hơn 2 tháng thi công, dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, giao thông đi lại khó khăn, nhiều đèo dốc, các vị trí dựng cột, trạm biến áp trên đồi núi, vật tư thiết bị đưa vào công trình phần lớn phải vận chuyển thủ công mất nhiều thời gian, nhưng công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm hơn dự định 12 ngày.
Thành công này là nhờ sự nỗ lực và mong muốn sớm mang nguồn điện đến cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trước thềm năm mới của Điện lực Điện Biên, các đơn vị chủ đầu tư, thi công.
Với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, công trình có 6,57km đường dây trung thế, hơn 20km đường dây hạ thế, 10 trạm biến áp có tổng công suất hơn 501 kVA cấp điện cho 621 hộ dân tại 15 điểm bản của 5 xã cực Tây Tổ quốc.
Theo ông Trần Đức Dũng, thời gian tới, ngành điện lực sẽ có các hoạt động tuyên truyền đến nhân dân các bản làng để bà con tích cực phối hợp tốt cùng ngành điện trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện; sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên Thào A Dề cho biết hiện nay hệ thống điện của Mường Nhé đã phát triển, vươn đến điểm bản xa xôi, khó khăn. 100% các xã của huyện đã có điện, trong đó 75/117 bản với gần 6.500 hộ trong tổng số hơn 8.000 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ hơn 80%.
Công trình cấp điện cho các điểm bản thuộc Đề án 79 trên địa bàn các xã Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong và Pá Mỳ đóng điện, đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của nhân dân và các thành phần kinh tế, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong lao động, sản xuất của người dân trên địa bàn.
Đồng thời, hệ thống điện lưới góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện Mường Nhé - địa bàn trọng yếu, chiến lược về an ninh, quốc phòng của Tổ quốc.
Đất trời Tây Bắc đang chuyển mình vào Xuân. Trên các con đường về bản, lên nương, dưới thung sâu, bên khe suối... hoa mơ, hoa mận, hoa dã quỳ đã bung nở bạt ngàn.
Đối với đồng bào sinh sống nơi cực Tây Tổ quốc, Xuân này được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia là niềm hạnh phúc sau bao năm chờ mong. Đây là món quà ý nghĩa, thiết thực mà Đảng, Nhà nước, ngành điện và các cấp chính quyền địa phương đã chung tay quan tâm, chia sẻ đến người dân nơi vùng biên giới./.