Nếu như vài năm trước, nhiều nhà mốt liên tiếp cho ra đời những dòng sản phẩm khác nhau nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận của mình, thì gần đây, làng thời trang thế giới lại đang chứng kiến một xu hướng “ngược," các nhãn hiệu "chị em" bị đóng cửa hoặc sáp nhập lại thành một. Điều gì đang thực sự diễn ra?
Năm 2011, Dolce&Gabbana bất thình lình tuyên bố sẽ đóng cửa nhãn hiệu D&G. Đây là một cú sốc với nhiều người, đặc biệt là những đại diện bán lẻ của D&G.
Tại thời điểm đó, sản phẩm D&G đang được bán rất tốt tại nhiều nơi trên thế giới và không ít người khẳng định, D&G mới chính là con gà đẻ trứng vàng cho Dolce&Gabbana.
Số tiền thu về trong một năm từ D&G có thể lên đến 400 triệu euro với những thiết kế trẻ trung, năng động, rất được ưa chuộng.
Nhiều nhà phân phối bán lẻ không quan tâm đến sản phẩm Dolce&Gabbana mà chỉ tập trung vào D&G.
Có lẽ đây chính là một trong những lý do khiến bộ đôi nhà thiết kế quyết định sáp nhập hai thương hiệu thành một.
Đại diện Dolce&Gabbana thì đưa ra lời phát biểu chính thức về sự hợp nhất này, nhằm mang đến những bộ sưu tập ấn tượng hơn.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc sáp nhập D&G và Dolce&Gabbana là bởi mức giá của một số sản phẩm D&G đã “bắt kịp” dòng sản phẩm chính Dolce&Gabbana.
Thêm một lý do, nhiều nhà đầu tư thường nhầm lẫn hai thương hiệu này trên thị trường chứng khoán khiến họ rất bối rối khi đưa ra quyết định mua bán.
Từ khi sáp nhập hai thương hiệu làm một, Domenico Dolce và Stefano Gabbana đã liên tục cho ra mắt những bộ sưu tập vô cùng ấn tượng.
Sự đồng điệu trong các thiết kế thể hiện tầm nhìn chiến lược của thương hiệu.
Cũng phải thừa nhận rằng sau khi thực hiện chiến lược này, Dolce&Gabbana bớt được rất nhiều chi phí về nhân công và cơ sở hạ tầng, đó là chưa kể đến các khoản chi phí quảng cáo, marketing vô cùng tốn kém khác.
Đến tháng 3/2015, các tín đồ thời trang một lần nữa đón nhận thông tin dòng sản phẩm Marc by Marc Jacobs sẽ sáp nhập vào Marc Jacobs.
Ra đời từ 15 năm trước, Marc by Marc Jacobs vẫn luôn được biết đến như một "cô em gái" đáng yêu của nhãn hiệu Marc Jacobs.
Tuy nhiên, thương hiệu này đã làm được nhiều hơn vậy với tỷ lệ sinh lời đều đặn hàng năm.
Các thiết kế của Marc by Marc Jacobs biến đổi liên tục, là một “gia vị” vô cùng hấp dẫn cho làng thời trang.
Những chiến dịch quảng cáo của Marc by Marc Jacobs thể hiện sự trẻ trung và sức sáng tạo không giới hạn, thu hút được sự ủng hộ của đông đảo giới trẻ.
Dòng sản phẩm này đã có những cú đột phá ấn tượng kể từ khi bộ đôi Luella Bartley và Katie Hillier về đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo vào năm 2013.
Chính bởi những sáng tạo độc đáo cùng sự đầu tư vô cùng nghiêm túc dành cho Marc by Marc Jacobs mà chẳng ai nghĩ dòng sản phẩm thú vị này sẽ bị sáp nhập với “chị cả” Marc Jacobs.
“Điều này không có nghĩa các dòng sản phẩm sẽ bị thu hẹp lại," một số nguồn tin khẳng định, “Đó là cách hợp nhất tất cả các sản phẩm theo một quan điểm thẩm mỹ nhất quán và sẽ mang đến nhiều lựa chọn khác nữa”.
Những sản phẩm mang thương hiệu Marc Jacobs mới được chia theo hai mức giá khác nhau: cao cấp (luxury) và dành cho giới trẻ (contemporary).
Ngoài ra, bộ đôi Luella Bartley - Katie Hillier cũng “tan đàn xẻ nghé” khi Katie được giữ lại còn Luella vẫn chưa có thông tin xác nhận sẽ đi đâu về đâu.
Mới đây lại có một nhà mốt công bố về việc sáp nhập các dòng sản phẩm của mình, đó là Burberry.
Hiện tại, Burberry gồm có dòng sản phẩm cao cấp Burberry Prorsum cùng hai dòng sản phẩm mang tính đại trà hơn là Burberry Brit và Burberry London.
Cả ba sẽ được nhập lại thành một dòng sản phẩm duy nhất mang thương hiệu Burberry.
Dự kiến nếu mọi thứ theo đúng tiến độ thì tới cuối năm 2016, việc sáp nhập sẽ được hoàn thành.
Động thái này của Burberry cũng nhằm hướng tới việc mang đến những sản phẩm thể hiện đầy đủ tinh thần di sản Anh quốc của nhà mốt.
Được thành lập từ năm 1856, Burberry đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất.
Sự dẫn dắt của nhà thiết kế Christopher Bailey, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Sáng tạo của Burberry, đã đưa nhà mốt thoát khỏi những định kiến cố hữu trong tâm trí người tiêu dùng.
Nói về sự hợp nhất ba dòng sản phẩm, Christopher Bailey khẳng định: “Hành vi của người tiêu dùng cao cấp đang phát triển, phong cách của họ linh hoạt hơn và điều này thể hiện rất rõ trong thói quen mua sắm.
Những thay đổi chúng tôi đang thực hiện sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi phản ứng nhạy bén hơn trước những thói quen mới của khách hàng.
Việc hợp nhất ba dòng sản phẩm thành một giúp chúng tôi mang tới những trải nghiệm rõ ràng hơn từ những bộ sưu tập của Burberry."
Tuy nhiên, bên cạnh những thương vụ sáp nhập, nhiều nhà mốt với các dòng sản phẩm vô cùng đa dạng, phong phú vẫn tự tin phát triển và đạt được thành công.
Điển hình phải kể đến Armani, từ haute couture cho tới trang phục và phụ kiện thể thao, tất cả các dòng sản phẩm đều vận hành tốt với những đặc trưng được khách hàng lĩnh hội một cách trọn vẹn.
Hay Ralph Lauren cũng là một ví dụ cho thương hiệu thành công với hướng đi đa dạng các dòng sản phẩm.
Tóm lại, vấn đề không phải sáp nhập hay không sáp nhập mà là lựa chọn cho mình một hướng tiếp cận khác biệt.
Thị trường ngày càng mang tính cạnh tranh, trong khi khách hàng có cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn.
Để chinh phục được khách hàng đòi hỏi rất nhiều yếu tố, không đơn thuần là mức giá bình dân./.