Điện "nóng," cần cái đầu "lạnh" để tìm ra căn nguyên thiếu điện!

Những lúc nóng vì thời tiết, "bức bối" vì điện, áp lực cảm xúc từ dư luận xã hội, hơn bao giờ hết lại là lúc cần cái đầu "lạnh" để tìm ra căn nguyên thiếu điện, từ đó cùng chung tay tìm giải pháp.
Điện "nóng," cần cái đầu "lạnh" để tìm ra căn nguyên thiếu điện! ảnh 1Kiểm tra vận hành tại TBA 500kV Tây Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Những ngày gần đây, câu chuyện thiếu điện, cắt điện trong những ngày oi ả đang làm "nóng" dư luận xã hội và cả nghị trường.

Vấn đề cần thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xem lại hoạt động đầu tư, vận hành của ngành điện cũng được đặt ra…

Tuy nhiên, những lúc nóng vì thời tiết, "bức bối" vì điện, áp lực cảm xúc từ dư luận xã hội… hơn bao giờ hết lại là lúc cần cái đầu "lạnh" hạ nhiệt, để bình tĩnh nhìn lại căn nguyên, từ đó cùng chung tay tìm giải pháp.

Trước tiên, điện không chỉ là câu chuyện lỗ-lãi, mà còn là huyết mạch năng lượng, là an ninh năng lượng của cả nền kinh tế-xã hội. Hiểu đơn giản là bên cạnh quan hệ cung-cầu phục vụ dân sinh, các hoạt động kinh tế-xã hội, nguồn điện còn cần lượng dự phòng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việc hòa lưới điện Quốc gia cũng được cẩn trọng nhìn nhận ở nhiều yếu tố, không chỉ là câu chuyện kỹ thuật hay tiền bạc. Với nhiều lý do đặc thù, điện là loại năng lượng đặc biệt, là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá. Không phải ai muốn sản xuất thì sản xuất, ai muốn hòa lưới điện Quốc gia thì hòa!

[Bộ Công Thương lập Đoàn thanh tra chuyên ngành cung ứng điện của EVN]

Nhớ lại thời điểm giai đoạn 2019-2021, nhà nhà lao vào làm điện gió, mặt trời mà ngành chức năng hay địa phương vẫn không đưa ra cảnh báo đầy đủ. Chưa kể lại có xu hướng chiều theo chủ đầu tư và địa phương đã khiến quy hoạch điện bị "băm nát." Hệ quả kéo theo là phải có đường dây truyền tải, giải tỏa mặt bằng đi theo.

Các nhà đầu tư này muốn bán điện thì phải có hợp đồng mua bán điện và hồ sơ pháp lý đầy đủ. Ai dám đảm bảo rằng nhà máy chưa đủ hồ sơ thủ tục kia không thể xảy ra sự cố khi phát điện và ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện?

Câu chuyện cơ chế và đầu tư trong nhiều năm về trước vẫn đang đặt ra những bộn bề giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, không chỉ cho hiện tại, mà cho cả tương lai.

Cùng quay lại với câu chuyện cung-cầu đơn thuần ở thời điểm hiện nay, ngành điện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Hệ thống điện của Việt Nam tới cuối tháng 12/2022 có khoảng 360 nhà máy đang vận hành (không kể các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ) với tổng công suất lắp đặt 80.704MW, chưa kể nguồn nhập khẩu. Các nhà máy điện gió và điện mặt trời đã, đang xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư chủ yếu là của tư nhân.

Với công suất lắp đặt như trên mà công suất khả dụng (công suất tối đa mà máy phát có thể phát được an toàn và liên tục) chỉ có tầm 46.000MW, có nhiều nguyên nhân; trong đó có câu chuyện El Nino, nắng nóng cực đoan diễn ra gây áp lực rất lớn cho cung ứng điện phục vụ sản xuất và đời sống người dân tại khu vực phía Bắc.

Điện "nóng," cần cái đầu "lạnh" để tìm ra căn nguyên thiếu điện! ảnh 2Những ngày này, các thợ điện phải tăng cường kiểm tra tại các điểm có phụ tải lớn để tránh sự cố xảy ra. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Báo cáo mới nhất ngày 8/6 của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho thấy, có 9 hồ thủy điện đang ở mực nước chết gồm Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An; trong đó, mực nước tại hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết từ ngày 1/6.

Bên cạnh đó còn có 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước về hồ không đảm bảo như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và chỉ có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6 tới.

Các nguồn điện khác cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, tiến độ hàng loạt các dự án nguồn điện khu vực phía Bắc đưa vào chậm so với quy hoạch điện đã được phê duyệt trước đó đã gây áp lực đến cung cấp điện...

Việc ban hành Quy hoạch Điện VIII đã thỏa mãn được yêu cầu phác họa tương lai của hệ thống điện Việt Nam trong thời gian tới, nhưng vẫn cần các giải pháp cụ thể, thiết thực, mới có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra. Bởi vậy, ngay sau khi Quy hoạch Điện VIII được ban hành, điều mà các nhà đầu tư ngóng chờ hiện nay chính là cơ chế cụ thể để các dự án có thể tiến tới bước triển khai và vận hành hiệu quả.

Khó khăn không chỉ của riêng ai. Người dân bức xúc vì bị cắt điện giữa ngày nắng nóng. Doanh nghiệp lo ngay ngáy khi nghĩ tới khả năng bị cắt điện ảnh hưởng sản xuất. Những dự báo về nguy cơ cắt điện đã được đặt ra. Thêm vào đó, không ít ý kiến đưa ra so sánh với các nước trong khu vực, trên thế giới trong việc cung ứng điện.... Nóng lại càng nóng!

Ngoài kia, giữa tiết trời nắng nóng, những người thợ điện vẫn miệt mài chênh vênh trên các độ cao khác nhau để khắc phục sự cố, đảm bảo ổn định nguồn điện cho xã hội, cho dân sinh. Trong phòng làm việc của các bộ, ngành, cơ quan quản lý, vẫn ngổn ngang bộn bề bài toán cung ứng điện, bài toán về giá....

Thiết nghĩ, song song với việc phát triển hệ thống điện thì trước mắt cần sự thấu hiểu, đồng lòng của toàn xã hội, việc tiết kiệm điện vẫn phải trở thành một ý thức thường trực đối với mỗi người dân. Bên cạnh đó, các giải pháp điều tiết phụ tải sử dụng điện; hạn chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tốn điện, lợi dụng điện giá rẻ của Việt Nam; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ bắt buộc phải triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt trong mùa hè nắng nóng năm nay.

Hãy nhìn ra nhiều nước xung quanh như Ấn Độ, Bangladesh, thậm chí Trung Quốc cũng đang đối diện với việc cắt điện luân phiên. Điện đang "nóng" nhưng cần cái đầu "lạnh" đủ để "hạ nhiệt," bình tĩnh để Chính phủ, các bộ ngành chức năng tìm biện pháp trước mắt cũng như giải pháp căn cơ lâu dài.

Nếu thiếu sự đồng lòng, mọi thứ vẫn bề bộn; nếu vẫn chậm trễ và không quyết liệt, cái giá phải trả sẽ là những cú sốc khó lường, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà liên quan tới cả xã hội.

Điện "nóng," cần cái đầu "lạnh" để tìm ra căn nguyên thiếu điện! ảnh 3 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, trong đó giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023, ngày 9/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về điện nhằm triển khai cụ thể những yêu cầu, nội dung và thời gian thanh tra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ trong những ngày gần đây đã xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung điện gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Trong vai trò quản lý Nhà nước, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, có nhiều cuộc giao ban liên quan đến việc cung ứng điện của năm 2023 như biểu đồ cung cấp than, dầu, khí cho sản xuất điện và kế hoạch cung ứng điện.

“Có thể nói, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện cung ứng nguồn than cho chạy điện của các nhà máy nhiệt điện và đã góp phần cải thiện tình hình cung ứng điện,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Nhấn mạnh năng lượng nói chung, điện nói riêng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, Tư lệnh ngành Công Thương cho rằng, để xảy ra tình trạng thiếu điện dù bất kỳ lý do gì cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.