Với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 15 ngày một lần theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước thời gian qua đã được điều chỉnh linh hoạt hơn, mang tính thị trường nhiều hơn. Cũng nhờ sự linh hoạt này, người tiêu dùng cũng không cảm thấy "sốc" sau mỗi lần thay đổi giá.
Theo thống kê từ đầu năm 2016 đến nay (từ ngày 4/1 đến ngày 20/9), giá xăng dầu trong nước đã có 18 lần điều chỉnh. Riêng mặt hàng xăng Ron 92 có 8 lần giảm với mức giảm là 4.463 đồng/lít và 8 lần tăng giá với mức tăng tổng cộng là 4.290 đồng/lít và 2 lần đi ngang.
Sau lần giảm 961 đồng/lít vào ngày 18/2, giá xăng Ron 92 xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016 khi chỉ còn 13.752 đồng/lít.
Tại thời điểm hiện nay (ngày 20/9), giá xăng Ron 92 đã tăng trở lại mức 16.232 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn so với ngày 4/6, khi đó giá xăng Ron 92 đang ở mức 16.509 đồng/lít (cao nhất kể từ đầu năm 2016).
Tương tự, mặt hàng xăng sinh học E5 kể từ đầu năm 2016 cũng có 8 lần giảm giá với tổng mức giảm là 4.322 đồng/lít và 8 lần tăng giá với mức tăng tổng cộng là 4.393 đồng/lít và 2 lần đi ngang. Hiện giá xăng E5 niêm yết tại Petrolimex là 15.980 đồng/lít, thấp hơn xăng Ron 92 khoảng 250 đồng/lít.
Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, ngày 3/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2014/NĐ-CP thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP ban hành ngày 15/10/2009. Theo quy định của Nghị định này, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Nhìn lại hơn 1 năm thực hiện Nghị định 83/CP, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị định số 83/CP, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh doanh xăng dầu cơ bản đã vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngày càng phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Quan trọng hơn, giá xăng dầu trong nước được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, kịp thời, đảm bảo hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới, có tính đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đời sống người dân…
"Với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 15 ngày một lần theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước đã được điều hành sát cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước," ông Hải cho hay.
Còn theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, kể từ khi áp dụng Nghị định 83/CP, việc điều hành giá xăng dầu đã linh hoạt và mang tính thị trường hơn qua đó doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc kinh doanh của mình.
Dưới góc độ người tiêu dùng, ông Phong thẳng thắn cho rằng, câu chuyện "sốc" với việc tăng nhanh giảm chậm đã được giảm bớt và người tiêu dùng cũng ít phàn nàn hơn sau mỗi lần thay đổi giá xăng dầu.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng đề nghị nhà nước xem xét việc bỏ quỹ Bình ổn giá (BOG), bởi việc áp dụng quỹ này có thể dẫn đến nhiều yếu tố không minh bạch, thậm chí phản tác dụng trong việc bình ổn mặt hàng xăng dầu./.