Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực.
Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn ảnh 1Khu kinh tế Nghi Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích huyện Tĩnh Gia (12 xã trong Khu kinh tế Nghi Sơn cũ và các xã còn lại của huyện Tĩnh Gia); 3 xã: Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (thuộc huyện Nông Cống) và 3 xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc (thuộc huyện Như Thanh).

Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn là Khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với việc xây dựng, khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt.

Đây là động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung, là cụm đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đồng bộ, hiện đại với trung tâm là thành phố công nghiệp Nghi Sơn và các đô thị Hải Ninh, Yên Mỹ, Thanh Tân, được phát triển theo mô hình đô thị thông minh-xanh-bền vững.

[Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển đồng bộ 5 trụ cột kinh tế biển]

Khu kinh tế Nghi Sơn là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia, quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và cảng biển Nghi Sơn.

Hình thành mạng lưới kết nối các khu vực đô thị

Quy hoạch không gian tổng thể Khu kinh tế Nghi Sơn được triển khai theo phân khu và mạng lưới, hình thành mạng lưới kết nối các khu vực đô thị, lấy khu vực đô thị trung tâm huyện Tĩnh Gia làm trung tâm tổng hợp của Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tại đây sẽ hình thành 2 vành đai xanh dựa trên hệ thống núi rừng hiện hữu trong Khu kinh tế. Vành đai thứ nhất là vùng đồi núi bao quanh vùng lõi khu kinh tế gồm: Khu vực Khu kinh tế cũ và khu vực đô thị trung tâm Tĩnh Gia; vành đai thứ 2 là vùng đồi núi bao quanh khu vực phía Tây và phía Đông Bắc của khu kinh tế mở rộng.

Tại đây cũng sẽ hình thành trục cảnh quan đô thị chủ đạo của Khu kinh tế theo hướng Tây Bắc-Đông Nam từ đỉnh núi Các Sơn (là đỉnh núi cao nhất trong khu vực) nối thẳng vị trí quy hoạch ga đường sắt trung tâm, hướng tới đảo Mê.

Các không gian chính và điểm nhấn đô thị được tổ chức xoay quanh trục chủ đạo này.

Khu kinh tế Nghi Sơn được chia thành 5 khu vực: Khu vực Cảng Nghi Sơn, khu phía Nam, khu đô thị trung tâm, khu Đông Bắc và khu phía Tây.

Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa công bố điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.