Phấn đấu xây dựng Nghệ An là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Theo đó, tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2016-2020 đạt 9,5 đến 10,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.800 đến 3.500 USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm từ 2,5-3% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020).
Phấn đấu tăng trưởng công nghiệp 16-17%/năm
Về phát triển công nghiệp-xây dựng, tỉnh Nghệ An phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng bình quân hàng năm 14-15%, trong đó tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 16-17%/năm.
Tập trung xây dựng vùng Hoàng Mai-Đông Hồi gắn với khu kinh tế Nghi Sơn; trong đó phát triển nhiệt điện, ximăng, luyện thép, cơ khí, cảng biển,... xây dựng khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng, trọng tâm là công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo, thiết bị công nghệ cao, công nghiệp chế biến.
Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư xây dựng khu công nghiệp-thương mại, dịch vụ-đô thị và các dự án lớn vào khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp; xây dựng khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế ven biển trọng điểm.
Đầu tư phát triển công nghiệp, gắn vùng nguyên liệu với khai thác, chế biến khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp để khai thác vùng miền Tây của tỉnh.
Đầu tư hoàn chỉnh thêm từ 5-10 cụm công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề ở các huyện, xã theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng thêm khoảng 25-30 làng nghề, đưa tổng số làng nghề đạt 155-160 làng nghề vào năm 2020.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Quyết định nêu rõ, phát triển nông nghiệp của tỉnh Nghệ An toàn diện theo hướng nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao. Tăng nhanh tỷ trọng giá trị chăn nuôi và thủy hải sản. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp thời kỳ 2016-2020 đạt 4,5-5,0%.
Về trồng trọt, chuyển diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị gia tăng cao hơn, ổn định sản xuất lúa trên diện tích đất 2 vụ chủ động tưới nước với diện tích gieo trồng khoảng 170.000ha.
Đồng thời hình thành và phát triển vùng sản xuất rau tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển vùng nguyên liệu mía, chè, cao su, cây ăn quả,... bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy; nghiên cứu mở rộng diện tích trồng sắn tại các huyện miền núi để đáp ứng nguyên liệu cho một số nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Xây dựng vùng sản xuất tập trung các loại cây dược liệu (gấc, chanh leo, gừng, nghệ,...) để tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến dược liệu.
Trong chăn nuôi, chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng với các loại con nuôi chủ lực như trâu, bò, thịt, bò sữa, lợn và gia cầm; đẩy mạnh phát triển bò sữa làm khâu đột phá trong chăn nuôi; chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển tập trung, quy mô công nghiệp; chú trọng phát triển diện tích trồng cây thức ăn phục vụ chăn nuôi như ngô, cỏ./.