Điều gì đang trở thành nỗi ám ảnh với các lãnh đạo châu Âu?

Hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi không đạt được kết quả cụ thể nào về vấn đề di cư, có rất ít tín hiệu về khả năng thoát khỏi bế tắc trong 18 tháng đàm phán tiếp theo.
Điều gì đang trở thành nỗi ám ảnh với các lãnh đạo châu Âu? ảnh 1Tàu của lực lượng cứu hộ giải cứu người di cư ngoài khơi bờ biển Libya. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Kiểm soát người di cư đến từ châu Phi đang là một nỗi ám ảnh với các lãnh đạo châu Âu.

Chủ đề này có thể làm gián đoạn thỏa thuận chính trị giữa Liên minh châu Âu (EU) với Liên minh châu Phi (AU).

Trang mạng Euractiv có bài đề cập nội dung nóng bỏng này khi các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Phi hiện đang bất đồng sâu sắc về chính sách di cư trong các cuộc đàm phán gia hạn thỏa thuận Cotonou.

Bất chấp sự phản đối của nhiều nhà lãnh đạo EU, trong một cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki Mahamat hồi tháng 4/2018, người đồng cấp châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh rằng sự hợp tác với châu Phi vượt lên trên vấn đề nhập cư.

[Liên hợp quốc: Địa Trung Hải - “cửa tử” của những người di cư]

Ông Juncker đã trích dẫn cụm từ "quan hệ đối tác bình đẳng," điều hiện không mấy ai tin tưởng.

Được hoàn thành vào năm 2000, khi mà vấn đề di cư còn chưa trầm trọng đến mức khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải sợ hãi như hiện nay, thỏa thuận Cotonou chỉ có một phần nhỏ về việc kiểm soát nhập cư.

Thỏa thuận này bao gồm các điều khoản bắt buộc các nước châu Phi nhận lại những người di cư bất hợp pháp, nhưng họ chưa từng thực hiện điều này.

Trên thực tế, EU chỉ ký một thỏa thuận duy nhất qui định việc tiếp nhận trở lại người di cư với một quốc gia châu Phi nhỏ bé là Cape Verde, một hòn đảo chỉ có hơn 500.000 cư dân.

Carlos Lopes- Đại diện cấp cao của AU trong cuộc đàm phán hậu Cotonou- đánh giá "vấn đề di cư đóng một vai trò tương đối nhỏ trong Hiệp định Cotonou hiện tại."

Trong khi đó nhiều nước châu Âu không còn muốn vấn đề di cư chỉ là một phần nhỏ của thỏa thuận như trước đây.

Lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ đóng tại Brussels của Bỉ, thành phần tham gia đàm phán, cho biết đối với EU các ưu tiên theo thứ tự là di cư, an ninh, tăng trưởng kinh tế và phát triển.

EU đã bày tỏ ý định đưa việc ưu tiên kiểm soát người di cư vào thỏa thuận sắp tới, bằng cách ra điều kiện về viện trợ và đầu tư tài chính trong tương lai cho các quốc gia châu Phi để buộc những nước này tăng cường kiểm soát biên giới.

Tổng giám đốc về châu Phi thuộc Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) Koen Vervaeke cho biết trong tương lai quan hệ đối tác mới giữa EU với châu Phi cần tập trung hơn vào vấn đề di cư.

Mối quan ngại của các nước EU về kiểm soát di cư hiện quan trọng đến mức mà nhiệm vụ đàm phán của khối về một thỏa thuận Cotonou mới chỉ được chấp thuận vào cuối tháng Sáu vừa qua, sau khi bị ngưng trệ trong nhiều tháng do sự phản đối của một nhóm nhỏ các nước thành viên do Hungary và Ba Lan dẫn đầu.

Hai quốc gia thuộc nhóm Visegrad, từ hai năm qua đã ngăn chặn bất cứ một hạn ngạch châu Âu nào về tái bố trí người di cư từ Bắc Phi, mong muốn thỏa thuận Cotonou mới sẽ bao hàm vấn đề tiếp nhận lại những người di cư tiềm năng đến từ các nước châu Phi, Caribe, và Thái Bình Dương (ACP) không được lưu lại châu Âu và điều này phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

Để đổi lấy chính sách hồi hương người di cư bất hợp pháp tốt hơn, các quan chức EU đã hứa sẽ nới lỏng cơ chế cho phép người di cư châu Phi di chuyển hợp pháp trên lãnh thổ châu Âu.

Tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu tháng Sáu vừa qua, thông cáo được các nhà lãnh thông qua nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét khái niệm với tên gọi "trung tâm khu vực cập bến."

Tuy nhiên, ý tưởng về xúc tiến các "khu vực cập bến" cho đến nay hầu như đã bị các nước châu Phi từ chối. Dẫn đầu là Maroc, nước đầu tiên bác bỏ khái niệm này tại hội nghị thượng đỉnh AU vào ngày 2/7, tức chỉ vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo EU nhất trí đưa ra ý tưởng này.

Ngoại trưởng Maroc Nasser Bourita nhận định đây là một giải pháp dễ dãi và không mang tính xây dựng.

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo châu Phi đã thống nhất thành lập Đài quan sát người di cư và phát triển (OATD) của châu Phi, có trụ sở tại Rabat, và sẽ tập trung vào việc "làm hài hòa các chiến lược quốc gia" của các nước châu Phi và cải thiện khả năng tương tác với các đối tác.

Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo châu Phi cho đến nay vẫn từ chối chấp nhận các trung tâm mới, Chủ tịch Moussa Faki cho biết châu Phi sẵn sàng chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng di cư, đồng thời lên án những "hành động không thể chấp nhận" chống lại người di cư châu Phi trên chính Lục địa đen.

Hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi không đạt được kết quả cụ thể nào về vấn đề di cư, có rất ít tín hiệu về khả năng thoát khỏi bế tắc trong 18 tháng đàm phán tiếp theo.

Nhưng chắc chắn điều này sẽ không thể phá hỏng hoàn toàn mối quan hệ EU-AU. Việc "không có thỏa thuận" về di cư có thể ngăn cản các bên ký kết thỏa thuận Cotonou mới, nhưng tiến trình này sẽ không dễ bị chôn vùi.

Ông Carlos Lopes nói Cotonou có tiềm năng được mở rộng và nguy cơ không đạt được thỏa thuận là ít có khả năng xảy ra.

Cho rằng vấn đề này hoàn toàn không giống như Brexit, ông Carlos Lopes bày tỏ tin tưởng nếu không đạt thỏa thuận từ nay tới năm 2020 thì vẫn luôn tồn tại khả năng mở rộng những gì đã có./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.