Điều phối viên LHQ: Góp phần hướng tới một Việt Nam ngày càng tự cường

Theo điều phối viên Liên hợp quốc Pauline Tamesis, Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam cam kết phối hợp với nhau và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các học viện, khu vực tư nhân và các đối tác.
Điều phối viên LHQ: Góp phần hướng tới một Việt Nam ngày càng tự cường ảnh 1Điều phối viên Liên hợp quốc Pauline Tamesis. (Nguồn: Vietnam+)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21/10 đến ngày 22/10.

Nhân dịp này, Điều phối viên Liên hợp quốc Pauline Tamesis đã có cuộc trao đổi dành riêng cho TTXVN về các nội dung liên quan đến chuyến thăm cũng như mối quan hệ đối tác Việt Nam-Liên hợp quốc.

- Bà có thể chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc?

Điều phối viên Liên hợp quốc Pauline Tamesis: Trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới, nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ dự lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc.

Tổng Thư ký sẽ gặp gỡ các lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cũng như các quan chức cấp cao khác. Tổng thư ký cũng sẽ tham gia đối thoại với thanh niên.

[Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres sẽ thăm chính thức Việt Nam]

Chuyến thăm sẽ tập trung vào các hành động vì khí hậu, khi Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu nhất trên thế giới, Việt Nam đang hứng chịu những tác động vô cùng tàn khốc của biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Tại COP26, Việt Nam cam kết không phát thải carbon vào năm 2050, loại bỏ than đá vào thập niên 40 của thế kỷ XXI và các sáng kiến khác bao gồm chấm dứt nạn phá rừng và giảm phát thải khí mêtan vào năm 2030.

Với việc Việt Nam đang đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng tái tạo, Liên hợp quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam với Nhóm G7.

- Bà đánh giá như thế nào về những đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc trong những năm gần đây? Xin bà cho biết triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc qua chuyến thăm chính thức của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cũng như việc Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và trọng trách sắp tới tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025?

Điều Phối viên Liên hợp quốc Pauline Tamesis: Những năm gần đây, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong khu vực và toàn cầu trong việc góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam đã thể hiện mình là một thành viên ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế, trong đó có những đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việt Nam triển khai lực lượng quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014 và gần đây là lực lượng cảnh sát, với nhóm cảnh sát đầu tiên được cử đi vào ngày 14/10/2022.

Việt Nam cũng đang triển khai lực lượng tham gia Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA), Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) và Phái đoàn Ổn định tích hợp đa chiều của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA).

Điều phối viên LHQ: Góp phần hướng tới một Việt Nam ngày càng tự cường ảnh 2Việt Nam rất tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc)

Năm 2014, Việt Nam cũng đã thành lập trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế, một trong bốn trung tâm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam được đánh giá cao khi thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên về tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam thúc đẩy hội nhập ở Đông Nam Á và tăng cường kết nối giữa ASEAN và Liên hợp quốc thông qua cuộc họp lần đầu tiên về hợp tác hai bên.

Với việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Liên hợp quốc mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong các kế hoạch thực hiện cam kết về nhân quyền. Liên hợp quốc hoan nghênh các cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy nhân quyền trên mọi phương diện, ưu tiên bình đẳng giới và bảo vệ tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

- Bà có nhận xét gì về các cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) với ưu tiên cao nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau? Bà có thể chia sẻ sự hỗ trợ của Liên hợp quốc cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện đời sống của người dân?

Điều phối viên Liên hợp quốc Pauline Tamesis: Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 1977, hai năm sau khi kết thúc chiến tranh. Trong 45 năm qua, Việt Nam, từ một quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, đã trở thành một quốc gia đóng góp mạnh mẽ vào chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu.

Liên hợp quốc đã hỗ trợ các công việc chính trị, nhân đạo, tái thiết và lập quy trong những ngày đầu Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Trong công cuộc Đổi mới giai đoạn 1986-1995, Liên hợp quốc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam với những tư vấn kinh tế quan trọng và cung cấp các nguồn lực lên tới hàng trăm triệu đôla Mỹ mỗi năm.

Trong giai đoạn chuyển giao sang thế kỷ 21, sự hỗ trợ của Liên hợp quốc cho Việt Nam tập trung vào xóa đói giảm nghèo, chính sách xã hội, điều phối viện trợ, nâng cao năng lực và huy động nguồn lực.

Từ năm 2000, Liên hợp quốc đã chuyển hướng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam sang hỗ trợ các cải cách lập pháp, kinh tế và hành chính công, cũng như việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), trong đó có nhiều mục tiêu Việt Nam đã hoàn thành trước năm 2015.

Sau năm 2015, Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, thông qua Kế hoạch Chiến lược chung (OSP) giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 và Khung chiến lược chung mới về Hợp tác phát triển bền vững giữa Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2022-2026.

Trong khuôn khổ hợp tác giai đoạn 2022-2026, Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam cam kết phối hợp với nhau và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các học viện, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển khác.

Mục tiêu là góp phần hướng tới một Việt Nam ngày càng tự cường, đảm bảo phúc lợi cho tất cả mọi người - đặc biệt là những người thiệt thòi nhất, có nền kinh tế xanh bao trùm và hệ thống điều hành lấy người dân làm trung tâm, là nơi mọi người được hưởng các quyền và cơ hội bình đẳng. Cốt lõi của khuôn khổ là cam kết không bỏ lại ai phía sau và đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục