DIW: Nền kinh tế Đức không thể sớm thoát khỏi khủng hoảng

Theo Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Đức, với làn sóng lây nhiễm thứ hai, nền kinh tế Đức sẽ khó có thể nhanh chóng vượt qua được khủng hoảng, năm 2021 có thể là năm của sự "vỡ mộng" về kinh tế.
DIW: Nền kinh tế Đức không thể sớm thoát khỏi khủng hoảng ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên phố ở Saxony, Đức ngày 20/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trái ngược với nhiều nhận định được các chuyên gia kinh tế và giới chính trị đưa ra trước đây, nhà kinh tế học Marcel Fratzscher, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), cảnh báo không nên quá ảo tưởng vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Đức trong năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bài viết riêng cho báo Tấm gương hằng ngày (Tagesspiegel) ngày 1/1, Chủ tịch DIW và là giáo sư kinh tế Đại học Humboldt Fratzscher nhấn mạnh những dự báo kinh tế được đưa ra dựa trên nhận định rằng đại dịch COVID-19 sẽ nhanh chóng kết thúc và kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2021 này sẽ chỉ là ảo tưởng.

Ông cho rằng với làn sóng lây nhiễm thứ hai hiện nay, nền kinh tế sẽ khó có thể nhanh chóng vượt qua được khủng hoảng. Do vậy, năm 2021 có thể là năm của sự "vỡ mộng," ít nhất về mặt kinh tế.

[Chuyên gia kinh tế dự báo GDP của Đức dự kiến giảm 5,1% trong năm 2020]

Nền kinh tế Đức sẽ sụt giảm trong quý 4/2020 và rất có thể tiếp tục sụt giảm trong quý 1/2021, do đó nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái lần thứ hai. Do đã sử dụng hết các khoản dự trữ, tình trạng phá sản của công ty có thể tăng lên đáng kể, bởi các công ty đã mắc nợ quá nhiều khiến họ không còn có thể hoặc không muốn tiếp tục vay ngân hàng.

Cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, như những người có thu nhập thấp, sẽ là những người bị tác động nặng nề nhất.

Ngoài ra, tiêu dùng tư nhân thấp hơn sẽ khiến các công ty gặp khó khăn, điều càng khiến các công ty gặp khó trong việc trả nợ ngân hàng. Do đó, việc vỡ nợ có thể đẩy một số ngân hàng vào tình thế khó khăn và giảm mức cho vay đối với các công ty và hộ gia đình.

Cũng theo nhà kinh tế Fratzscher, nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Đức cũng có thể gặp rủi ro trong bối cảnh khó khăn nền kinh tế toàn cầu, bởi tuy các nền kinh tế châu Á bùng nổ, song khó có thể kỳ vọng vào một chính sách mới từ chính quyền mới của Mỹ.

Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu sẽ vẫn là điểm yếu toàn cầu, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, và điều này tạo ra những nguy cơ cho nền kinh tế Đức bởi có tới 60% lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức là tới các nước châu Âu.

Những nhận định của ông Fratzscher trái ngược với đánh giá của các công ty, các nhà kinh tế và chính trị gia đưa ra mới đây khi kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ phục hồi nhanh chóng trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.