Đổ “núi” tiền vào châu Phi, Trung Quốc đang tìm kiếm lợi ích gì?

Sau châu Á, phải chăng châu Phi giờ cũng đang trở thành một sân sau khác, làm bàn đạp cho một Trung Quốc đang khao khát trở thành một siêu cường?
Đổ “núi” tiền vào châu Phi, Trung Quốc đang tìm kiếm lợi ích gì? ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một nhà lãnh đạo châu Phi ở FOCAC. (Nguồn: Reuters)

Tại lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) 2018 ngày 3/9, trước sự chứng kiến của hơn 50 nhà lãnh đạo tới từ châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố một loạt biện pháp mới nhằm thúc đẩy hợp tác giữa quốc gia này và Lục địa Đen.

Ông kêu gọi nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác và chiến lược toàn diện mạnh mẽ hơn giữa hai phía, đồng thời tuyên bố trong 3 năm tới sẽ thực hiện 8 sáng kiến trong nhiều lĩnh vực với tổng giá trị đầu tư lên tới 60 tỷ USD.

Trong số các biện pháp tiêu biểu phải kể đến kế hoạch tăng cường nhập khẩu các sản phẩm phi tài nguyên từ châu Phi; thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn; tăng số lượng các đường bay trực tiếp; thiết lập một trung tâm hợp tác về môi trường, một viện nghiên cứu châu Phi và các chương trình an ninh chống cướp biển, khủng bố.

Gọi châu Phi là “miền đất hứa” và là một châu lục “tràn đầy hy vọng,” Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định không gì có thể ngăn cản người dân Trung Quốc và châu Phi thúc đẩy quan hệ và hợp tác.

Đây là FOCAC thứ 3 được tổ chức từ lần đầu tiên các đây 18 năm. Liu Guijin, một nhà ngoại giao từng là đại diện đặc biệt thứ nhất của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề châu Phi cho biết các sáng kiến được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố là để tiếp nối 10 kế hoạch hợp tác đưa ra tại hội nghị cấp cao lần thứ 2 vào năm 2015.

Những sáng kiến mạnh mẽ

Về thúc đẩy công nghiệp, ông Tập Cận Bình tuyên bố triển lãm kinh tế và thương mại Trung Quốc-châu Phi sẽ được tổ chức tại Trung Quốc. Một loạt khu hợp tác kinh tế và thương mại ở lục địa này cũng sẽ được xây mới hoặc nâng cấp. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ít nhất là 10 tỷ USD vào châu Phi trong 3 năm tới.”

Tân Hoa Xã dẫn lời giới quan sát cho rằng với động lực là sự hỗ trợ của Trung Quốc, các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của châu Phi sẽ tiếp tục được nhận nhiều khoản vay và tín dụng có tính ưu đãi.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc áp dụng mô hình đầu tư xây dựng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ phối hợp với khu vực để tiến hành một loạt các dự án kết nối quan trọng, bên cạnh những công trình quy mô đang được xây dựng trên khắp khu vực như tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi ở Kenya hay cây cầu vượt biển Maputo tại Mozambique.

Về thương mại, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết bên cạnh việc tăng nhập khẩu hàng hóa từ châu Phi, nhất là các mặt hàng phi tài nguyên, Bắc Kinh cũng sẽ ủng hộ lục địa xây dựng Khu vực Thương mại Tự do châu Phi, và tiến hành các cuộc đàm phán về thương mại tự do với các quốc gia và khu vực có quan tâm.

Bảo vệ môi trường cũng là một trọng tâm được Tập Cận Bình nhấn mạnh trong các sáng kiến về thúc đẩy hợp tác với châu Phi. Khoảng 50 dự án tài trợ sẽ được xúc tiến để phục vụ hoạt động phát triển xanh, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường ở châu Phi, với các nội dung then chốt là đối phó với biến đổi khí hậu, hợp tác hàng hải, chống sa mạc hóa, kiểm soát và bảo vệ động vật hoang dã.

… và động lực thật sự

Đằng sau những lời ca ngợi về sự hào phóng và tích cực của Trung Quốc khi thúc đẩy quan hệ với châu Phi, giới phân tích lại có nhiều nhìn nhận khác. Trong mục Tiêu điểm ngày 3/9, phóng viên Suzuki Eigo của đài NHK (Nhật Bản) cho rằng mục đích của Trung Quốc trong các nỗ lực là nhằm tìm kiếm 3 lợi ích chính.

Lợi ích thứ nhất là về kinh tế. Các mối quan hệ chặt chẽ hơn sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở châu Phi như dầu mỏ. Châu Phi có dân số lớn nên đây cũng là một thị trường xuất khẩu lớn đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Trung Quốc đang cố gắng mở rộng sáng kiến “Vành đai và Con đường,” có thể coi là Con đường Tơ lụa thời hiện đại, tới châu Phi nhằm củng cố vị thế của mình trong các vấn đề toàn cầu.

Lợi ích thứ hai là về chính trị. Trung Quốc từ lâu đã quan tâm tới châu Phi. Việc Trung Quốc có được tư cách thành viên thường trực trong Liên hợp quốc vào những năm 1970 là nhờ sự ủng hộ của các nước châu Phi. Trung Quốc đang thực thi chiến lược tìm kiếm đồng minh trong hơn 50 quốc gia châu Phi để có được lợi thế trong nền ngoại giao quốc tế.

Lợi ích thứ ba là trong những năm gần đây, từ góc độ an ninh, Trung Quốc ngày càng xem trọng sự hợp tác của châu Phi. Quân đội Trung Quốc chọn Djibouti làm địa điểm đặt căn cứ đầu tiên ở nước ngoài của mình. Căn cứ này được mở vào năm ngoái với mục đích bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc tại khu vực này, trong đó có việc đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển quan trọng.

Chưa lúc nào các khoản đầu tư và sự hiện diện - cả về kinh tế cũng như quốc phòng - của Trung Quốc vào châu Phi lại mạnh mẽ như ở thời điểm hiện tại, như lúc này. Đài RFI cho rằng đó là những dấu hiệu cho thấy có sự chuyển hướng trong chiến lược đối ngoại của Bắc Kinh đối với Lục địa Đen, đi từ hợp tác kinh tế sang thành đối tác chính trị, ngoại giao.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng mạnh nhiều khoản đầu tư khổng lồ với giá trị lên đến hàng tỷ USD vào châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Các số liệu nghiên cứu khẳng định các khoản vay từ Trung Quốc của châu Phi trong giai đoạn 2000-2016 đã lên đến mức 125 tỷ USD. Cùng những nhận định như của Đài NHK, Đài RFI cũng cho rằng ẩn sau những cử chỉ hào phóng của Bắc Kinh còn có những mưu toan chính trị. Châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản, trong khi kinh tế còn chậm phát triển, vì vậy đó là một “phương tiện” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị và ngoại giao dễ dàng nhất.

Theo Đài RFI, Trung Quốc đang trong quá trình khẳng định vị thế cường quốc, với mục tiêu trở thành siêu cường năm 2049, và châu Phi là một trong những đồng minh mà Trung Quốc cần có bên cạnh, nhất là bởi lá phiếu của các quốc gia này có thể đóng vai trò quan trọng tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Đài RFI đặt câu hỏi: “Sau châu Á, phải chăng châu Phi giờ cũng đang trở thành một sân sau khác, làm bàn đạp cho một Trung Quốc đang khao khát trở thành một siêu cường?”

Có một thực tế khác là ngày càng nhiều nước châu Phi phụ thuộc vào ngành viễn thông của Trung Quốc. Phóng viên Suzuki Eigo lấy ví dụ: một công ty của Trung Quốc đang đề nghị cung cấp dịch vụ giám sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Dịch vụ này không chỉ được sử dụng để chống tội phạm và khủng bố mà cũng có thể có vai trò trong việc đàn áp các phong trào dân chủ. Ông bình luận: “Do đó, rất có khả năng chúng ta sẽ được chứng kiến sự lan rộng của cái gọi là ‘mô hình Trung Quốc’ mà ở đó chính phủ theo đuổi phát triển kinh tế song song với hạn chế tự do chính trị”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.