Nhân dịp 650 năm Ngày mất danh nhân Chu Văn An (1370-2020), sáng 14/11, tại Khu di tích Đình Nội (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), Đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, đã dâng hương tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, người có công với nền giáo dục nước nhà.
Đoàn do Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong làm trưởng đoàn.
Tại sự kiện, các đại biểu đã dâng hương và nghe đọc Chúc văn tưởng nhớ công ơn của danh nhân Chu Văn An, nhà giáo lỗi lạc, người thầy của mọi thời đại, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.
Tư tưởng giáo dục của ông không những ảnh hưởng nhiều đến thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực, có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay.
Danh nhân Chu Văn An, tên thật là Chu An, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Ông là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên sông Tô Lịch.
[UNESCO thông qua hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An]
Ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho các Thái tử và phò giúp nhà vua.
Đến thời Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, Chu Văn An khuyên can nhà vua vững con thuyền an dân, dâng "thất trảm sớ" xin trừng trị bảy gian thần nhưng bất thành.
Ông cáo quan về núi Phượng Hoàng (nay thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ở ẩn, dạy học, viết sách, tìm thuốc chữa bệnh cho dân cho tới khi mất.
Khi qua đời, ông được vua Trần Nghệ Tông phong tước Văn Trinh Công, tước phẩm cao nhất trong hạng tước và được thờ tự tại Văn Miếu.
Tên tuổi của Danh nhân Chu Văn An đi vào lịch sử dân tộc như một bậc nho học tiêu biểu của nước Việt, một tấm gương sáng về đạo làm người./.