Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc tại TP Hồ Chí Minh

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh cơ bản đến nay chính sách hỗ trợ được thực hiện đầy đủ, khá chính xác nhưng không tránh khỏi còn thiếu sót, song cần nhìn nhận vấn đề vào đúng thời điểm, bối cảnh.
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc tại TP Hồ Chí Minh ảnh 1Ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc tại UBND Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngày 3/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn thực hiện giám sát tại Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.”

Dự và phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nội dung giám sát của đoàn giám sát của Quốc hội là rất thiết thực, phù hợp tới thực tế yêu cầu kiểm tra, giám sát tại các địa phương, ban, ngành về những vấn đề liên quan “hậu COVID-19.”

Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cho đến nay, có thể khẳng định việc triển khai hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là một chính sách đúng đắn, nhân văn. Cơ bản đến nay chính sách này được thực hiện đầy đủ, khá chính xác, tuy nhiên không tránh khỏi còn thiếu sót, song cần nhìn nhận vấn đề vào đúng thời điểm, đúng bối cảnh lúc đó cả thành phố, toàn xã hội đang tập trung chống dịch với thông điệp “chống dịch như chống giặc.”

Thành phố phải tập trung kêu gọi, huy động toàn bộ nhân lực, trí lực, tài lực cho cuộc chiến phòng, chống dịch và mọi người dân thành phố hành động theo “mệnh lệnh từ trái tim."

[Cụ thể hóa địa vị pháp lý, nâng cao hiệu quả của các Đoàn giám sát]

Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát cần đặt vấn đề vào đúng hoàn cảnh, đúng thời điểm của sự việc; cần xem xét, đánh giá “thấu tình đạt lý,” phân tích, làm rõ và phân biệt những hành động tư lợi, cố ý làm trái, cố ý lợi dụng hoàn cảnh để xử lý nghiêm khắc; còn những việc làm chưa đúng quy trình, quy định vì những điều kiện cụ thể trong thời điểm chống dịch thì cũng cần được xem xét.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng chính sách y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng từ lâu và đã thể hiện tính đúng đắn trong thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay, khi chuyển sang cơ chế thị trường thì không còn phù hợp, khi người dân có thêm quyền lựa chọn bệnh viện lớn, bệnh viện tư, bác sỹ giỏi tại chỗ và không đến với y tế cơ sở. Từ đó, vấn đề quan tâm, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng phần nào cũng bị chủ quan, xem nhẹ. Với đặc thù tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi dịch COVID-19 diễn ra, thành phố cũng đã phát hiện ra hệ thống y tế dự phòng có nhiều vấn đề cần được quan tâm, củng cố và đổi mới.

“Ngành y tế phải kịp thời đổi mới, thay đổi cơ chế, mô hình hoạt động cho phù hợp với quá trình đổi mới chung của đất nước. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu thuốc, sinh phẩm y tế cần phải giải quyết gấp. Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng làm thí điểm và chịu trách nhiệm, không thể để người dân bị bệnh phải chờ máy, chờ thiết bị, chờ thuốc,” Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Trước đó, khi giải trình các ý kiến của đoàn giám sát, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị cơ quan pháp luật nghiên cứu việc xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo để phù hợp với sự biến động và phức tạp của thực tiễn xã hội. Mô hình y tế cơ sở hay hoạt động của y tế dự phòng cũng cần được xem xét thấu đáo, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương có đặc điểm khác nhau.

Ví dụ, quận Bình Tân của thành phố có dân số cả triệu dân, đông hơn so với nhiều tỉnh khác hoặc ở Bình Chánh, Bình Tân có những xã có 185.000 người, đông hơn nhiều huyện của các địa phương khác; hoặc tại một phường của thành phố có rất nhiều bệnh viện cấp quốc gia.

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc tại TP Hồ Chí Minh ảnh 2 Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh giải trình trước đoàn giám sát Quốc hội. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

“Vì vậy, nên chăng chúng ta dành không gian cho chính quyền đô thị quyết định các vấn đề đó theo tiêu chí, chuẩn mực nào đó. Xây dựng pháp luật như thế mới đảm bảo tính bao quát. Chúng ta cần có niềm tin với chính quyền địa phương đối với những vấn đề của người dân ở đó. Nếu họ làm không được thì người dân ở đó sẽ mời họ xuống. Đây là vấn đề khó, nhưng chúng ta cũng cần xem xét về cách tiếp cận này," ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, đánh giá cao quá trình chuẩn bị nghiêm túc của Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân thành phố và các sở, ngành, địa phương đối với nội dung được giám sát; khẳng định đây là một nội dung thiết thực, được người dân quan tâm và sẽ đưa ra Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp cùng Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết một số vấn đề, không chờ kết quả giám sát, như hoàn tất hoạt động thực hiện gói an sinh xã hội; nghiên cứu thí điểm công tác đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở; đề xuất phương án và thí điểm giải pháp xử lý nhanh việc bàn giao, điều chuyển thuốc, trang thiết bị y tế chưa sử dụng hết trong thời kỳ chống dịch vì quyền lợi của nhân dân, tránh lãng phí...

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Khắc Định, để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, trước mắt, thành phố cần khẩn trương hoàn chỉnh văn bản pháp luật, đồng thời nghiên cứu giải quyết ngay vấn đề này để xin ý kiến thực hiện thí điểm; nghiên cứu giải pháp, cùng Trung ương đưa ra chính sách đối với vấn đề tự chủ trong lĩnh vực y tế; có chính sách, biện pháp kết nối, phối hợp giữa bệnh viện công và hệ thống y tế tư nhân trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục