Mảng kinh doanh số bán lẻ điện thoại di động được cho là đang ở giai đoạn bão hòa và sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn về tăng trưởng.
Vì vậy, để giải quyết bài toán doanh thu và lợi nhuận, các doanh nghiệp đứng đầu thị trường bán lẻ điện thoại di động đang có những chuyển đổi mạnh mẽ, mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Khó khăn trong ít nhất 2 năm tới
Theo các chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC, thị trường điện thoại tiếp tục gặp khó khăn về tăng trưởng trong ít nhất 2 năm tới, kể cả khi đã tính đến việc triển khai mạng 5G và tắt mạng 2G.
So với 4G, mạng 5G được coi là bước nhảy vọt về công nghệ. Về lý thuyết, mạng 5G có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G và gần như không có độ trễ.
Việt Nam cũng đang song hành cùng các quốc gia trên thế giới trong cuộc đua 5G. Mạng 5G hiện đã được thử nghiệm tại Việt Nam bởi các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone. Nhu cầu đối với điện thoại 5G được dự kiến sẽ gia tăng trong thời gian tới do mạng 5G chỉ có thể sử dụng trên điện thoại 5G.
Cùng với việc triển khai mạng 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án tắt mạng 2G vào 2022 (dự kiến dừng trên phạm vi toàn quốc vào 1/1/2022) do việc vận hành, khai thác 4 mạng đi động riêng biệt là 2G, 3G, 4G, 5G khiến tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới.
Theo đó, từ tháng Tám vừa qua, Viettel đã chính thức tắt mạng 2G tại một số khu vực, đồng thời khuyến khích người dùng nâng cấp lên sim 4G. Việc tắt mạng 2G sẽ yêu cầu người dùng chuyển đổi từ điện thoại phổ thông (featured phones) sang điện thoại thông minh (smartphones) để nâng cấp lên sim 3G và 4G.
Tuy vậy, các chuyên gia từ BVSC đánh giá 2 yếu tố trên sẽ chưa hỗ trợ tăng trưởng của thị trường điện thoại trong ít nhất 2 năm tới.
Lý giải điều này, BVSC cho rằng featured phones mặc dù chiếm 25% thị phần về số lượng nhưng chỉ chiếm 4% thị phần về giá trị.
[Doanh số smartphone toàn cầu sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay]
Theo Euromonitor, giá trung bình của mỗi chiếc featured phone khoảng 800.000 đồng. Trong khi đó trên thị trường đã có những mẫu smartphone với mức giá khoảng 1 triệu đồng/sản phẩm và thậm chí sắp tới sẽ có cả smartphone giá 500.000 đồng sau khi được trợ giá của nhà sản xuất, nhà mạng, nhà phát triển ứng dụng để phổ cập smartphone tới 100% dân số theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Do vậy, các chuyên gia đánh giá việc chuyển đổi từ featured phones lên smartphone sẽ không thúc đẩy quy mô thị trường tăng trưởng.
Việc chuyển đổi sang điện thoại 5G ở góc độ người tiêu dùng sẽ cơ bản cần 2 yếu tố là hạ tầng phủ rộng và giá điện thoại rẻ. Việc triển khai 5G ở Việt Nam vẫn đang giai đoạn thử nghiệm trong năm 2020 và triển khai ở quy mô nhỏ, chỉ ở một, vài thành phố lớn trong năm 2021.
Ngoài ra, chi phí sản xuất cho các thiết bị đời đầu tương đối cao, do vậy chỉ một bộ phận khách hàng ở các thành phố lớn có nhu cầu trải nghiệm công nghệ và đủ khả năng chi trả sẽ mua điện thoại 5G.
Tập đoàn Cisco trong báo cáo “5G tại Đông Nam Á” cũng dự báo Việt Nam sẽ có khoảng 6,3 triệu thuê bao 5G vào năm 2025 (so với khoảng 140 triệu thuê bao trên cả nước hiện nay) cho thấy việc triển khai 5G sẽ cần tương đối nhiều thời gian.
Công ty nghiên cứu thị trường Gartner Inc cũng vừa công bố báo cáo cho thấy, doanh số bán điện thoại thông minh (smartphone) trên toàn cầu đã giảm 20,4% xuống còn 295 triệu chiếc trong quý 2 năm nay.
Trong số 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới, Samsung chứng kiến doanh số bán điện thoại giảm mạnh nhất. Quý 2 năm nay, hãng này chỉ bán khoảng 55 triệu chiếc, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Gartner, Anshul Gupta, trong một thông báo cho hay đại dịch COVID-19 đã tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của Samsung trong quý 2 vừa qua.
Nhu cầu đối với dòng smartphone chủ chốt S Series của Samsung không giúp ích nhiều trong việc phục hồi doanh số bán điện thoại của hãng trên toàn cầu.
Trong khi đó, doanh số bán smartphone của Apple gần như đi ngang trong quý 2 năm nay khi giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) cũng có doanh số bán smartphone trong quý 2 vừa qua giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước đó, song tăng 27,4% so với quý trước đó.
Oppo, một thương hiệu điện thoại có tiếng khác của Trung Quốc, ghi nhận doanh số bán điện thoại giảm 15,9% trong quý 2 năm nay.
Doanh nghiệp xoay chuyển tình thế
Trên sàn chứng khoán, không có nhiều doanh nghiệp bán lẻ phân phối điện thoại di động. Các doanh nghiệp đáng chú ý trong mảng này gồm có Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG), Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT); Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DWG).
Đối với MWG, 6 tháng đầu năm 2nay, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đối với ngành bán lẻ, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của MWG vẫn ghi nhận tăng trưởng lần lượt 7,8% và 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sáu tháng năm 2020, thị phần của MWG trong mảng điện thoại đã lên hơn 50% từ mức 48% của cuối 2019. Dù vậy, doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động trong 6 tháng giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường điện thoại đã bão hòa và người dân thắt chặt chi tiêu hơn trong dịch COVID-19.
Để tăng nguồn thu, MWG đã thực hiện thêm các dịch vụ liên quan như trả góp, chuyển tiền, thu chi hộ tiền điện nước. Việc triển khai các dịch vụ gia tăng không phát sinh thêm chi phí bán hàng, do vậy biên lợi nhuận thuần sẽ được cải thiện khi doanh thu từ các dịch vụ này tăng lên.
Theo lãnh đạo MWG, doanh thu mỗi tháng từ các dịch vụ này lên đến trên 10.000 tỷ đồng, lớn hơn cả doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động. Ban lãnh đạo MWG nhận định dịch vụ thu hộ là cơ hội mới cho Tập đoàn nên sẽ tập trung nhiều để khai thác tốt hơn.
Sáu tháng 2020, MWG ghi nhận khoảng 3.600 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ khác, tương đương với mức đóng góp khoảng 200-300 triệu đồng doanh thu/cửa hàng/tháng.
Đối với Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT), đây là doanh nghiệp chuỗi bán lẻ điện thoại đứng thứ 2 về thị phần và mạng lưới ở Việt Nam.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất, 6 tháng năm đấu năm nay, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của FRT là hơn 15,8 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt VCSC đánh giá, mảng điện thoại di động của FRT vẫn còn nhiều thách thức, trong bối cảnh gián đoạn kinh tế liên quan đến COVID-19, tăng trưởng thấp của ngành và cạnh tranh từ công ty hàng đầu MWG.
Theo FRT, mảng điện thoại di động chỉ tính riêng trong quý 2 năm nay đã giảm tới 24% doanh thu so với quý cùng kỳ năm trước đó. Trước những khó khăn từ mảng bán lẻ điện thoại di động, FRT đã tăng tốc mở các cửa hàng bán lẻ dược phẩm.
Tính đến cuối quý 2 vừa qua, FRT có 596 cửa hàng điện thoại di động, trong khi cuối năm ngoái là 593 cửa hàng. Tuy nhiên chuỗi nhà thuốc Long Châu do FRT sở hữu đã tăng từ 70 cửa hàng vào cuối năm 2019 lên 135 cửa hàng vào cuối quý 2.
Ngành bán lẻ dược phẩm phân chia thành ba kênh, gồm: kênh bệnh viện, kênh phòng khám và kênh nhà thuốc. Do đó, FRT kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong 3-4 năm tới. Mảng này sẽ đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của công ty ở mức khoảng 5.000 tỷ đồng.
FRT cho rằng, do chuỗi cửa hàng thuốc FPT Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng dẫn đến chi phí tăng cao và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.
Hai doanh nghiệp đứng đầu về thị trường bán lẻ điện thoại đã có những bước chuyển lớn để không phụ thuộc quá nhiều vào doanh thu từ mảng này. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, tăng thị phần và doanh thu trong mảng bán lẻ điện thoại di động ngay trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.
Đơn cử như Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DGW), dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm sức tiêu thụ của phân khúc điện thoại bị giảm xuống, nhưng công ty vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhờ hoạt động phát triển thị trường hiệu quả đối với Xiaomi, thương hiệu hiện chiếm khoảng 10% thị phần điện thoại tại Việt Nam.
Ngành hàng điện thoại di động của DGW kết thúc 6 tháng đầu năm nay với doanh thu đạt 2.288 tỷ đồng tăng tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
DGW dự kiến phân phối 50.000 sản phẩm Apple trong nửa cuối năm nay. Với lợi thế về quy mô, công ty kỳ vọng có thể giúp giá bán hàng Iphone chính hãng “mềm” hơn và gần với giá hàng xách tay hơn. Bên cạnh đó, hàng chính hãng do DGW phân phối đảm bảo mới 100%, bảo hành dễ dàng nhanh chóng.
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực và có nhiều triển vọng, cổ phiếu DGW liên tục bứt phá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/10, DWG có giá 52.900 đồng/cổ phiếu, tăng tới hơn 128% kể từ phiên giao dịch đầu năm (2/1). Trong khi đó, MWG giảm hơn 9,4% và FRT giảm 9,6% kể từ đầu năm./.