Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khó có cơ hội trốn thuế ở Việt Nam

Nghị định 20/2017/NĐ-CP mới ban hành có những quy định mới siết chặt quản lý về thuế đối với các tập đoàn nước ngoài, theo đó, nhóm doanh nghiệp này khó có thể trốn thuế hay chuyển giá.
Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khó có cơ hội trốn thuế ở Việt Nam ảnh 1Khách chọn mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Dư luận gần đây “nóng” với văn bản ngành thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát và thanh tra doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh bán lẻ.

Mới đây đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện các đơn vị vẫn đang tiến hành thanh tra, đến ngày 31/7/2017, Tổng cục Thuế sẽ công bố kết quả.

Trước thực trạng một số tập đoàn đa quốc gia sản xuất kinh doanh ở Việt Nam có hiện tượng tránh thuế bởi báo lỗ kéo dài nhưng vẫn mở rộng đầu tư, lãnh đạo ngành thuế cho biết, quy định mới tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã buộc các tập đoàn phải công bố lợi nhuận tại từng quốc gia.

[Tập đoàn có doanh thu 18.000 tỷ đồng phải khai thuế đã nộp ở các nước]

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP mới có hiệu lực, công ty mẹ tối cao của các tập đoàn có trụ sở chính tại Việt Nam mà doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế.

Đây là quy định được đưa ra sau khi cơ quan chức năng đã thu thập kinh nghiệm quốc tế và báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh đó, Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũng yêu cầu doanh nghiệp có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai; cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với các giao dịch liên kết của người nộp thuế.

“Việc quản lý giao dịch liên kết này thực hiện theo nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức, không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách Nhà nước. Qua đó, điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định,” bà Lan Anh nói.

Tổng cục Thuế cũng cho hay, từ năm 2010 tới năm 2015, cơ quan thuế đã thanh tra giá chuyển nhượng với 130 doanh nghiệp. Sau thanh tra, cơ quan chức năng đã quyết định giảm lỗ 2.962 tỷ đồng, tăng thu nhập chịu thuế là 3.430 tỷ đồng, truy thu 724 tỷ đồng.

Nghị định 20/2017/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành có những quy định mới siết chặt quản lý về thuế đối với các tập đoàn nước ngoài hay doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo giới phân tích, với những quy định mới này, nhóm doanh nghiệp này sẽ khó có thể tiếp tục trốn thuế, chuyển giá trong thời gian tới.

Để người nộp thuế và cơ quan thuế dễ dàng xác định như thế nào được gọi là giao dịch liên kết, tới đây Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Trước đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương để rà soát, xác định các thương hiệu bán lẻ trên địa bàn và xác định chủ sở hữu (doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam hoặc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài).

Trên cơ sở thông tin rà soát, thông tin quản lý thuế, cục thuế địa phương thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại địa bàn quản lý và đề xuất bổ sung vào kế hoạch thanh tra năm 2017 của các cục thuế./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.