Theo Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Liêm, hiện nay Tiền Giang đã thu hút được 186 dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; trong đó có 84 dự án của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 2,68 tỷ USD và trên 6.881 tỷ đồng. Qua đó, giải quyết công ăn việc làm cho trên 105.000 lao động.
Thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vửa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực vượt khó khăn, đạt mức tăng trưởng khá trên lĩnh vực sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa.
Giá trị sản xuất công nghiệp trong nửa đầu năm 2021 đạt trên 32.864 tỷ đồng, tăng hơn 1,13% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu các doanh nghiệp FDI đạt trên 1.372 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước còn doanh thu các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước cũng đạt 5.675 tỷ đồng.
[Chủ động, linh hoạt các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép]
Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1.431 triệu USD, đạt 53% chỉ tiêu cả năm và tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng khá cao trong tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong thời gian gần đây tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước; trong đó có Tiền Giang.
Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vửa khôi phục, phát triển kinh doanh với sự hỗ trợ của các ngành hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp tại Tiền Giang đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất-kinh doanh vừa siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong công nhân lao động trong đơn vị.
Nhiều doanh nghiệp trên lĩnh vực may mặc, giày da, túi xách…tháo gỡ kịp thời vướng mắc, có thêm nhiều đơn hàng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất-kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm và an sinh xã hội cho công nhân lao động.
Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI đã thực hiện các biện pháp sản xuất-kinh doanh uyển chuyển và phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư, kinh doanh, điều chỉnh và mở rộng sản xuất, đổi mới phương thức kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.
Do vậy, từ đầu năm đến nay, có 10 lượt dự án điều chỉnh tăng thêm nguồn vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 173 tỷ USD, tăng gần 30% so cùng kỳ năm trước và diện tích thuê đất đầu tư mở rộng hơn 21ha.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đều thực hiện nghiêm quy định về sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 100% công nhân lao động được tuyên truyền, nâng cao ý thức về tự bảo vệ sức khỏe cho mình, nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K…
Mặt khác, các doanh nghiệp đều trang bị nước rửa tay, sát khuẩn, đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang y tế cho cả người lao động làm việc tại đơn vị.
Nhiều doanh nghiệp còn bố trí lại dây chuyền sản xuất cho hợp lý bảo đảm khoảng cách an toàn; phối hợp các xe đưa đón công nhân áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với người lao động trên phương tiện đưa đón nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh./.