Các doanh nghiệp chế tạo của Hàn Quốc đã chuyển trọng tâm đầu tư trực tiếp ra nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam do những ưu đãi về thuế, giá lao động rẻ hơn và các điều kiện thuận lợi khác.
Theo báo cáo công bố ngày 22/11 của Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hàn Quốc trong năm 2017, tăng mạnh so với con số 3,7% trong năm 1990.
Trái lại, tỷ lệ tương ứng của Trung Quốc trong tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hàn Quốc đã giảm xuống còn 27,6% trong năm 2017, từ mức 44,5% trong thập niên 2000.
Đặc biệt, các doanh nghiệp chế tạo nhỏ và vừa của Hàn Quốc đã rút vốn khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đổ xô tới Việt Nam để đầu tư trực tiếp.
Đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc vào Việt Nam đã vượt Trung Quốc lần đầu tiên năm 2014, với tổng vốn đạt 720 triệu USD năm 2017, so với mức 430 triệu USD vào Trung Quốc.
[Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bắt đầu bằng hành động cụ thể]
Vốn đầu tư trực tiếp của các công ty lớn của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã suy giảm, song tổng vốn của các doanh nghiệp này vẫn gấp 2,7 lần so với con số tương ứng vào Việt Nam trong năm 2017.
Báo cáo trên cho biết Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầu tư chính của các doanh nghiệp chế tạo Hàn Quốc do những thay đổi về môi trường kinh doanh và chính sách ở cả Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 2008, Trung Quốc áp mức thuế doanh nghiệp trung bình là 25% đối với cả các công ty trong nước và công ty có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng mở rộng danh sách các sản phẩm mà các công ty có vốn đầu tư nước ngoài bị cấm hay hạn chế sản xuất trong khi lương tối thiểu ở nước này đã tăng mạnh.
Trái lại, Việt Nam lại miễn thuế doanh nghiệp trong 4 năm đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao có vốn đầu tư nước ngoài và bãi bỏ mức trần đầu tư nước ngoài./.