Càng gần về cuối năm thì vấn đề thưởng Tết càng nóng dần lên. Trao đổi với phóng viên báo VietnamPlus về tình hình thưởng Tết sắp tới của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, mức lương thưởng Tết năm nay có thể sẽ không tăng như mọi năm.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, hiện nay, các địa phương đang yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo tình hình thưởng Tết trước ngày 31/12 và trong tháng 1/2015 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có báo cáo tổng hợp tình hình tiền lương, thưởng Tết của cả nước.
“Năm nay nhìn chung tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, theo các báo cáo tôi nhận được thì chưa có doanh nghiệp nào là ‘điểm sáng’ về lương thưởng Tết. Nhiều doanh nghiệp đã có phương án duy trì giữ được mức lương, thưởng như năm ngoái,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết.
Mặc dù mức thưởng Tết năm nay không có khả năng sẽ tăng 10-20% như mọi năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng năm nay nhiều doanh nghiệp đã xây dựng những phương án giữ chân người lao động không dồn vào tiền thưởng dịp Tết mà có nhiều đãi ngộ như xây nhà, bố trí chỗ ở hoặc mua các khoản bảo hiểm cho người lao động, phương án này giúp ích cho người lao động hơn là thưởng Tết một khoản tiền.
Cũng vào dịp cuối năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đảm quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội cho người lao động, hạn chế nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Trước đó, thưởng Tết Âm lịch Giáp Ngọ bình quân trong cả nước tăng 20% so với năm 2013, ở mức 4,4 triệu đồng/người. Tuy nhiên, mức thưởng Tết này tăng chủ yếu là do thưởng theo lương mà lương của người lao động năm 2013 tăng. Mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là 709 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI tại thành phố Hồ Chí Minh, tăng 9,2% so với năm 2013 là 650 triệu đồng.
Trong dịp thưởng Tết Âm lịch Giáp Ngọ đã có 420 doanh nghiệp với 118 nghìn lao động không có thưởng Tết. Dịp Tết Dương lịch 2014 cũng có hơn 256.000 lao động không có thưởng Tết.
Năm ngoái, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trên cả nước có 10.168 người lao động bị nợ lương lên đến nợ 75,6 tỷ đồng. Đây hầu hết là những doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất, phá sản nên việc giải quyết nợ lương khá khó khăn./.