Doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế sân nhà

Với ngành dệt may, thị trường nội địa quy mô gần 5 tỷ USD đang được doanh nghiệp nội hướng đến bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, nhằm chinh phục thị trường.
Doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế sân nhà ảnh 1Các sản phẩm OCCOP được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thị phần hàng Việt trên sân nhà ngày càng được gia tăng mạnh mẽ. Hàng loạt các thương hiệu “Made in Việt Nam” đang tạo ra sức hấp dẫn người tiêu dùng nhờ sự thay đổi cả về mẫu mã, chất lượng và giá cả.

Chú trọng phát triển thương hiệu

Nhiều năm nay, các thương hiệu như May10, Việt Tiến, TNG… đã không ngừng mở rộng mạng lưới cửa hàng khắp các thành phố lớn và cả thị trường nông thôn, với những sản phẩm hết sức phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng cả nước.

[Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó khi đơn hàng sụt giảm mạnh]

Điều dễ nhận thấy là những thay đổi này không chỉ tạo ra sức hấp dẫn của người tiêu dùng mà bản thân sự sáng tạo ở các dòng sản phẩm không thua kém hàng ngoại đã giúp doanh nghiệp khẳng định vị thể ngay tại thị trường nội địa.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết để chinh phục thị trường nội địa, định hình xu hướng cho ngành thời trang Việt, trong 30 năm qua, đơn vị liên tục cho ra đời nhiều nhãn hiệu thời trang công sở như: May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra…

Riêng lĩnh vực thời trang bán lẻ, May 10 hiện có hơn 20 nhãn hiệu các loại, với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý trên toàn quốc. Vừa qua, May 10 tiếp tục đưa ra thị trường hai dòng thương hiệu mới đó là DeTheia - dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới và Generos dành cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại.

“Với mong muốn mang lại những sản phẩm thời trang đẳng cấp, thuần Việt nhưng mang hơi thở và xu hướng thời trang quốc tế, May 10 luôn nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ của mình để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất,” ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Đức Giang Phạm Tiến Lâm khẳng định những năm qua, đơn vị luôn tập trung đầu tư cho khâu sản xuất, hợp tác với nước ngoài để tiếp thu kỹ năng chuyển giao công nghệ quản lý sản xuất, phát triển sản phẩm mới nhằm tăng trưởng xuất khẩu và cạnh tranh tại thị trường trong nước.

Đến nay, Công ty đã đưa ra thị trường nhiều thương hiệu thời trang như: Paul Downer, DGC, S.Pearl, HeraDG, Forever Young… đồng thời phát triển chuỗi cửa hàng may đo veston thương hiệu Smart Suits Tailor Shop đã được khách hàng trong nước tin dùng và đánh giá cao.

Bên cạnh những mặt hàng chất lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại cũng như về giá cả sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích, đơn vị còn được nhiều đơn vị, cơ quan trong nước lựa chọn là nhà cung cấp đồng phục văn phòng như: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Kho bạc Nhà nước…

Việc này cũng dễ nhận thấy ở rất nhiều các đơn vị khác như: Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng... các sản phẩm đã nhận được sự phản hồi tích cực của người tiêu dùng nhờ không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đưa sản phẩm trực tiếp đến tay khách hàng.

Doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế sân nhà ảnh 2Chất lượng và sự thay đổi của hàng Việt đã tạo ra vị thế của thương hiệu ngay trên sân nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy đến nay hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; chiếm 60 - 96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến.

Không còn những quan niệm hàng xuất khẩu chất lượng cao hơn, tốt hơn hàng tiêu dùng trong nước, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp, cho biết chính người tiêu dùng nội địa là ‘phép thử’ tốt nhất cho các nhà sản xuất muốn lớn mạnh và đưa hàng ra nhiều thị trường lớn khác.

Do đó, hàng bán ra nước ngoài thế nào, thì bán trong nước phải y như vậy, thậm chí phải tốt hơn. Mặt khác, phải liên tục đổi mới, thích ứng với thói quen của người tiêu dùng.

Khẳng định vị thế ngay trên sân nhà

Theo các chuyên gia, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp hàng Việt ngày càng có sự lan tỏa, được người tiêu dùng cả nước biết đến và hưởng ứng tích cực.

Điều dễ nhận thấy là tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước có mặt trong hệ thống phân phối tăng cao. Đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng hàng Việt, nhất là đối với phân khúc hàng Việt Nam chất lượng cao… Trong đó, siêu thị chính là kênh quảng bá, xúc tiến thương mại quan trọng, đưa các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho hay, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (siêu thị GO!, Big C và siêu thị Tops Market) là trên 90%.

"Siêu thị chính là kênh quảng bá, xúc tiến thương mại quan trọng, đưa các sản phẩm địa phương từ chỗ không ai biết lên đúng vị trí của nó," bà Vân cho hay.

Nói về thị trường nội địa, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận, hiện các doanh nghiệp đang ở thời điểm thuận lợi để tập trung vào thị trường trong nước, bởi nếu 10 năm trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ nước ngoài do giá rẻ, thì hiện nay không ít người tiêu dùng theo xu hướng chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam để tìm đến với các sản phẩm chất lượng hơn.

Nắm bắt cơ hội này, các thương hiệu thời trang của các công ty lớn trong nước đã có những chiến lược kinh doanh cụ thể để khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng. Đơn cử các trường hợp thành công của May 10, Việt Tiến, Đức Giang, Nhà Bè, Hòa Thọ, Hanosimex, Tổng Công ty 28, TNG… Các doanh nghiệp này đã có những thương hiệu uy tín, đi vào lòng người tiêu dùng Việt và doanh thu nội địa mỗi doanh nghiệp tới hàng trăm tỷ đồng/năm.

“Thời gian sắp tới, Vinatex định hướng mở rộng thêm cửa hàng Trung tâm bán lẻ thời trang Vinatex sang một số tỉnh thành phố khác trong cả nước, dần khẳng định là một trong những địa chỉ tin cậy hàng đầu để người tiêu dùng Việt tìm đến với các sản phẩm sản xuất trong nước,” ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

- Xuất khẩu hàng Dệt may của Việt Nam vào 1 số thị trường tháng 1/2023:

Doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế sân nhà ảnh 3

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thị trường nội địa với quy mô gần 5 tỷ USD đang được doanh nghiệp nội hướng đến bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường.

Hiệp hội sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, phối hợp hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu... nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường.

Về phía Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," thời gian qua các doanh nghiệp đã thường xuyên liên kết và hợp tác từ khâu sản xuất, phân phối, lưu thông và kinh doanh hàng hóa đến tay người tiêu dùng, tạo ra mạng lưới cung ứng hàng hóa bền vững và rộng khắp cả nước.

"Tới đây Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Việc này nhằm tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế-xã hội góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng," bà Lê Việt Nga nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.