Doanh nghiệp dệt may lại kêu khó với Hải quan điện tử

Hiệp hội dệt may (Vitas) lại than phiền về quy trình Hải quan điện tử hiện nay đang đẩy nhiều doanh nghiệp của ngành này vào thế bí, chi phí bị đội lên cao.

Mặc dù thủ tục hành chính ngày càng được tinh giảm để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất nhưng tại buổi họp giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/3, lãnh đạo Hiệp hội dệt may (Vitas) lại rất than phiền về Hải quan điện tử.

Vitas cho rằng quy trình này hiện nay đang đẩy nhiều doanh nghiệp của ngành này vào thế bí, chi phí bị đội lên cao. Theo ý kiến của bà Đặng Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Vitas, mới đây ngành Hải quan đã phát hiện ra một số doanh nghiệp lợi dụng thông thoáng về Hải quan điện tử để buôn lậu.

Nhưng thay vì siết chặt quy trình để bịt lỗ hổng trên thì cách làm mới này mà ngành Hải quan đưa ra lại gây thêm phiền toái và phức tạp cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín.

Bà Dung đơn cử, thay vì chỉ phải lấy mẫu hoặc kiểm tra hàng hóa ngẫu nhiên khi vào luồng xanh thì giờ đây các doanh nghiệp khi mở tờ khai hải quan phải tập kết hàng hóa tại các kho, cảng để làm kiểm định toàn bộ lô hàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc chậm giao hàng cho đối tác mà còn làm đội thêm nhiều chi phí.

"Hiện ngành dệt may đang có cơ hội về thị trường và lợi thế từ Hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP) nhưng những quy định trên sẽ làm mất lợi thế cạnh tranh," bà Dung nói.

Chia sẻ ý kiến của lãnh đạo Hiệp hội dệt may, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng băn khoăn, nhiều doanh nghiệp dệt may có giá trị đơn hàng 200 nghìn USD nhưng để giữ uy tín và tiến độ giao hàng đã phải gửi bằng đường hàng không với chi phí tăng gấp 2-3 lần giá trị lô hàng. Do vậy, việc nhất quán chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu của liên bộ.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước mắt, để hỗ trợ cho xuất khẩu may mặc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu làm việc với Bộ Tài Chính và Tổng Cục Hải quan để có những cơ chế phù hợp "cởi trói" cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thị trường, tránh gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh.

"Các đơn vị chức năng phải lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch nhằm giảm tối đa chi phí xã hội cho doanh nghiệp," lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 2 ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 44,9% so với tháng 2 năm 2013, tính chung 2 tháng đầu năm 2014 tăng 30,1% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký được đơn hàng đến hết quý II và quý III, đáng chú ý ngành dệt may cũng đã khởi công một số dự án đầu tư lớn nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đón đầu cơ hội mới trong năm nay khi Hiệp định TPP sắp được ký kết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.