Doanh nghiệp dệt may Mexico tìm cơ hội hợp tác tại Việt Nam

Theo Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mexico 6 tháng đầu năm đạt 1,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015.
Doanh nghiệp dệt may Mexico tìm cơ hội hợp tác tại Việt Nam ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Hội thảo "Hợp tác thương mại-đầu tư dệt may Việt Nam-Mexico" đã diễn ra ngày 23/8 tại Hà Nội nhằm hỗ trợ thúc đẩy quan hệ về thương mại dệt may giữa hai nước.

Hội thảo do Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Mexico và Phòng Công nghiệp Dệt May Mexico tổ chức.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Mexico hiện là một trong những đối tác thương mại lớn hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, đóng vai trò quan trọng là cửa ngõ hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường nội địa các nước khu vực này.

Theo Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mexico 6 tháng đầu năm đạt 1,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong số các mặt hàng trao đổi thương mại giữa hai nước, dệt may thuộc nhóm mặt hàng được đánh giá có triển vọng phát triển và mở rộng thị trường.

Ông Tài nhấn mạnh trong trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mexico, thương mại của hàng dệt may được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng đột phá trong tương lai gần nếu hai bên thực hiện thành công các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư liên quan trong khuôn khổ Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế Mexico được đưa ra sau Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết đầu năm nay.

Theo đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp dệt quốc gia Mexico (Canaintex), khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tăng mạnh và mở rộng thị phần trên thị trường thuộc khối TPP, đặc biệt tại thị trường Mỹ nhờ các điều khoản về ưu đãi thuế quan song phương.

Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng dệt may quan trọng thứ 2 vào thị trường này, trong khi đó Mexico xếp thứ 6.

Dịp này, đoàn doanh nghiệp Mexico dự kiến sẽ thăm 7 nhà máy dệt may và khu công nghiệp dệt may Phố Nối, tỉnh Hưng Yên để phân tích và nghiên cứu quy trình từ sản xuất sợi đến các sản phẩm may mặc của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.