Doanh nghiệp điện tử đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu sản xuất

Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam dự báo cuối quý 1/2020, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, ảnh hưởng của tình hình trên sẽ trở nên rõ rệt với ngành sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại, tivi.
Doanh nghiệp điện tử đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu sản xuất ảnh 1Dây chuyền sản xuất, kiểm tra các bản mạch điện tử dạng dẻo, nhiều lớp tích hợp của Công ty TNHH Young Poong Electronics VINA tại khu công nghiệp Bình Xuyên II, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra vào ngày 26/2, hiện một số doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng điện tử lớn đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Báo cáo cho hay, tương tự như các ngành hàng ôtô, dệt may và da giày, ngành điện tử đang chịu tác động lớn bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch.

Các sản phẩm của ngành công nghiệp điện-điện tử (bao gồm điện thoại và tivi) là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cụ thể, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử; trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).

Do đó, các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, Cục Công nghiệp nhận định.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu trong thời gian tới (do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc) - đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ trong nước đã bắt đầu chịu ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng đa quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng muộn hơn nhưng mức độ ảnh hưởng là tương đương - bởi nguồn linh kiện nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng sử dụng nhiều nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

[Giải pháp tổng thể giúp doanh nghiệp ứng phó dịch COVID-19]

Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam dự kiến, trong cuối quý 1/2020, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, ảnh hưởng của tình hình trên sẽ trở nên rõ rệt với ngành sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại và tivi ở trong nước, khiến sản lượng suy giảm.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, LG Việt Nam đang phải đối mặt với việc không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đặc biệt, theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam, ảnh hưởng của việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng do một số linh phụ kiện sản xuất các dòng này được nhập khẩu từ Trung Quốc (chủ yếu qua cửa khẩu Lạng Sơn).

Hiện tại, mặc dù lô hàng nhập khẩu linh kiện tại cửa khẩu Lạng Sơn đang được tạo điều kiện thông quan sớm theo đề nghị của công ty, tuy nhiên trong thời gian tới, dự kiến nguồn hàng nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi phía Trung Quốc dự kiến đóng cửa khẩu - việc này sẽ khiến doanh nghiệp không thể nhâp khẩu qua đường bộ.

Doanh nghiệp này cũng đang xem xét phương án nhập khẩu các lô hàng này qua đường hàng không hoặc đường biển, tuy nhiên việc này sẽ khó khăn hơn so với đường bộ do chi phí lớn và khó có thể đáp ứng sản lượng và tiến độ thời gian cho nhu cầu sản xuất.

Trong trường hợp không giải quyết sớm tình trạng này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty vì dây chuyền sản xuất của Samsung Electronics Việt Nam được thiết kế để vận hành liên tục nhằm giảm chi phí, nếu buộc phải tạm ngừng sản xuất sẽ mất rất nhiều chi phí cho việc vận hành trở lại; cũng như sẽ gây sụt giảm lớn về doanh số năm 2020 của công ty theo kế hoạch đề ra.

Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1 và quý 2/2020, cũng như cả năm 2020.

Ngoài ra, nguồn linh kiện nhập khẩu từ Hàn Quốc của Samsung Việt Nam hiện vẫn đang được tiến hành bình thường, tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đã bùng phát dịch bệnh trong thời gian gần đây.

Samsung Hàn Quốc cũng đã tạm đóng cửa 1 nhà máy do phát hiện 1 công nhân làm việc tại nhà máy nhiễm virus SARS-CoV-2. Do đó, dự kiến tình hình bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất của Samsung Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới nếu Chính phủ Hàn Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu để phòng dịch.

Hiện Tổ hợp Samsung Việt Nam đang tích cực làm việc với phía Trung Quốc để đề nghị mở cửa khẩu trở lại cho hoạt động nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất.

Các doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ cần trực tiếp đàm phán với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp Trung ương trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới, phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Đồng thời sớm có các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp trong ngành điện-điện tử để vượt qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, để gỡ khó cho các doanh nghiệp điện tử nói riêng và các nhóm ngành khác nói chung, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp Trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Về phía Cục Công nghiệp, sẽ tiếp tục có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu để các ngành hàng dần bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam mới gia nhập như CPTPP, EVFTA.

Về dài hạn, ông Hoài cho biết, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước để khắc phục các điểm yếu nêu trên.

Cụ thể như đầu tư nguồn lực từ ngân sách Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.