Theo bài phân tích mới đây trên báo NTV của Đức, tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc) khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu phải đối mặt với nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng tiếp theo, trong đó trường hợp xấu nhất là xảy ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Đức phải đối mặt với thách thức rất lớn và phải định vị lại chiến lược kinh doanh tại thị trường khổng lồ này. Do đó, mọi hy vọng của họ bây giờ là các biện pháp ngoại giao giải quyết căng thẳng vấn đề Đài Loan.
Ông Ulrich Ackermann, người đứng đầu bộ phận ngoại thương của Hiệp hội chế tạo máy Đức (VDMA) cho rằng điều không thể tưởng tượng được bỗng hiển hiện trước mắt. Cuộc chiến tại Ukraine khiến nhiều doanh nghiệp lo sợ, nhưng sự leo thang căng thẳng tại đảo Đài Loan còn mang tới nỗi lo sợ lớn hơn nhiều.
Nhiều doanh nghiệp Đức đang phải suy nghĩ lại về chiến lược kinh doanh của họ tại Trung Quốc trong tương lai. Sự sụp đổ đột ngột hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường Trung Quốc sẽ có hậu quả gì đối với doanh nghiệp của họ; họ cần đối phó như thế nào nếu Mỹ và Trung Quốc tách rời nhau hoàn toàn? Đó chỉ là một số trong rất nhiều câu hỏi mà các doanh nghiệp Đức cần phải trả lời.
Vấn đề đối với các doanh nghiệp là thời gian. Theo ông Ackermann, trong ngắn hạn, không có lựa chọn thay thế nào cho các doanh nghiệp. Sự gián đoạn sản xuất và kinh doanh do những khó khăn về vận tải và hậu cần trong hai năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cố gắng cơ cấu lại chuỗi cung ứng và hoạt động của họ, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhưng việc thiết lập các mối quan hệ khách hàng và nhà cung cấp mới cần phải có thời gian. Nếu hoạt động tại thị trường Trung Quốc đột ngột sụp đổ, các doanh nghiệp không thể ngay lập tức chuyển sang hoạt động tại thị trường khác.
[Chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc đang phai nhạt]
Theo lãnh đạo Phòng thương mại Đức tại Đài Loan, Axel Limberg, khoảng 250 công ty Đức đang hoạt động tại Đài Loan cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến hiện tại của tình hình, nhất là các biện pháp trừng phạt kinh tế với Đài Loan mà Bắc Kinh đã công bố những ngày qua.
Ông Limberg cho rằng thời gian qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất bình thường vì thiếu các sản phẩm trung gian quan trọng. Điều này có thể sẽ còn khó khăn hơn trong thời gian tới.
Đài Loan là nhà cung cấp linh kiện quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và cho ngành công nghiệp Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và chất bán dẫn. Theo ông Dirk Jandura, Chủ tịch Hiệp hội bán buôn, ngoại thương và dịch vụ Đức (BGA), trong lĩnh vực công nghệ cao của nước này, hầu hết các sản phẩm điện tử đều có một phần linh kiện từ Đài Loan. Do đó, nếu cuộc xung đột Đài Loan leo thang hơn nữa sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng cho ngành công nghiệp Đức.
Các biện pháp trừng phạt chỉ nên là phương sách cuối cùng
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức, những doanh nghiệp Đức thiệt hại nặng nề nhất nếu một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nổ ra sẽ là các doanh nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị vận tải và chế tạo máy. Những ngành này sẽ bị mất nhiều giá trị gia tăng nhất. Do đó, các doanh nghiệp đang kêu gọi tăng cường đối thoại.
Một phát ngôn viên của Hiệp hội công nghiệp ô tô Đức (VDA) đề nghị rằng tất cả các bên liên quan cần phải tích cực hợp tác cùng nhau để tránh căng thẳng leo thang thêm và cần tiếp tục và tăng cường các cuộc đàm phán ngoại giao.
Các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra những hậu quả kinh tế rất lớn và chỉ nên được sử dụng như một phương sách cuối cùng.
Không thể thay thế thị trường Trung Quốc
Hiệp hội công nghiệp ôtô Đức cảnh báo cái giá phải trả cho việc tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc sẽ rất cao, vì thị trường này đơn giản là không thể thay thế được. Cho đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức với kim ngạch thương mại song phương Đức-Trung Quốc năm 2021 đạt khoảng 245 tỷ euro (252 tỷ USD) năm 2021.
Theo một nghiên cứu mới đây của viện Ifo, một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ khiến Đức thiệt hại gấp 6 lần những thiệt hại do việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) gây ra.
Các chuyên gia cho rằng sự tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc và một số quốc gia khác kéo theo những tổn thất lớn cho sự thịnh vượng của nước Đức. Một mặt, các thị trường tiêu thụ lớn hàng hóa Đức sẽ biến mất; mặt khác, các sản phẩm trung gian và nguyên liệu thô quan trọng cho ngành công nghiệp Đức sẽ trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn nhiều.
Thuế nhập khẩu cao hơn và các rào cản thương mại khác của cả hai bên sẽ làm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm 0,81% - một con số đáng kể trong tăng trưởng kinh tế nói chung.
Theo chuyên gia Florian Dorn từ viện Ifo, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Đức nên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia "cùng chí hướng" như Mỹ.
Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh về hệ thống
Nghiên cứu của viện Ifo cho thấy, trong trường hợp toàn bộ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Đức tại Trung Quốc được chuyển trở lại Đức, tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm gần 10%.
Các tác giả của nghiên cứu cho rằng sự phi toàn cầu hóa không chỉ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và tăng trưởng suy giảm mạnh, mà còn gây nguy hiểm cho sự ổn định chính trị, xã hội của nước Đức.
Ông Ackermann từ Hiệp hội chế tạo máy Đức kêu gọi EU và chính phủ liên bang Đức nhìn nhận Trung Quốc như là một đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ cạnh tranh hệ thống, đồng thời hành động phù hợp với quan điểm đó, chẳng hạn như yêu cầu các điều kiện cạnh tranh bình đẳng.
Để có thể tồn tại lâu dài trong cuộc cạnh tranh hệ thống, năng lực cạnh tranh phải được nâng cao. Ông Ackermann cho rằng việc mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, giáo dục đào tạo và cơ sở hạ tầng cũng như giảm bớt bộ máy hành chính quan liêu là những giải pháp hữu hiệu trong cuộc cạnh tranh này./.